Mở đầu phiên chất vấn, trước thực trạng giải ngân vốn đầu tư công hiện vẫn còn thấp, đại biểu Trương Công Hân chất vấn về nhóm giải pháp nhằm đẩy mạnh giải ngân.
Sau khi thông tin về tỉ lệ giải ngân, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Đại Vui cho rằng đây là vấn đề lớn đồng thời nêu khá nhiều giải pháp. Trong đó, đáng chú ý là vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư trong kế hoạch đăng ký vốn và kế hoạch giải ngân; chủ đầu tư cũng cần thực hiện đúng theo các quy định hồ sơ mời thầu, đấu thầu; trong quá trình triển khai dự án, vướng mắc giải phóng mặt bằng đã trở nên phổ biến, vì vậy, chủ đầu tư cần phối hợp với địa phương giải quyết hồ sồ giải phóng mặt bằng; quá trình tham gia thiết kế, khảo sát các dự án, địa phương phải cử cán bộ vào khảo sát; tổ chức giám sát cộng đồng, tăng cường chất lượng, tiến độ thi công công trình, đảm bảo môi trường, an toàn giao thông…
Ngoài những giải pháp trên, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu đề nghị ngành kế hoạch – đầu tư báo cáo cụ thể cho UBND tỉnh ngành nào giải ngân chậm để có chế tài, quy trách nhiệm rõ ràng.
Liên quan Dự án án giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh thành Huế, đại biểu Hoàng Phú đề nghị thông tin về tiến độ. Trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật thông tin, hiện nay đã phê duyệt bố trí tái định cư 2.058 lô. Dự kiến tổng số lô đất bố trí 3.562 lô (hiện nay khu vực Đàn xã Tắc, khu vực tiếp giáp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sẽ tiến hành phê duyệt phương án tái định cư, bốc thăm nhận đất trong tháng 8/2022). Đã nhận đất tái định cư 1.980 lô (số hộ còn lại đang tiếp tục vận động nhận đất tái định cư do đang có kiến nghị tái định cư cho các hộ phụ); cấp 1.956 giấy phép xây dựng. Số còn lại sẽ tiếp tục hoàn thành trong tháng 7/2022 theo hình thức cuốn chiếu. Hơn 796 hộ đã xây dựng nhà ở ổn định cuộc sống, đạt 40,2% số hộ đã nhận đất tái định cư. Hiện nay, đã có 889/2.058 hộ đã bàn giao mặt bằng.
“Quá trình thực hiện đã điều chỉnh, bổ sung các hạng mục giải phóng mặt bằng thuộc giai đoạn 2 lên giai đoạn 1 nên khối lượng rất lớn và áp lực tiến độ giải ngân theo kế hoạch vốn đã bố trí trong khi đó nhân lực của TP. Huế chưa được bổ sung kịp thời. Ngoài ra, phát sinh vướng mắc, chính sách được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung khung chính sách đã tháo gỡ khó khăn do lịch sử để lại như việc chuyển nhượng, tặng cho đất; thừa kế; vi phạm về xây dựng, giao đất tái định cư cho thừa kế để có nơi thờ tự theo phong tục tập quán…”, ông Võ Lê Nhật cho biết.
Dự án án giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh thành Huế, bố trí tái định cư được các đại biểu quan tâm
Đối với lĩnh vực du lịch, đại biểu Võ Văn Vui, Bí thư Huyện ủy Phong Điền chất vấn về giải pháp phát triển lĩnh vực dịch vụ du lịch thời gian tới. Giám đốc Sở Du lịch Nguyên Văn Phúc cho biêt, ngành sẽ tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương về phát triển du lịch thông qua các cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch cụ thể. Tập trung thực hiện Đề án phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; ưu tiên phát triển theo hướng quản lý, trải nghiệm và quảng bá thông minh; đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch chủ đạo có thương hiệu trên cơ sở lấy văn hóa Huế làm nền tảng. Tập trung xây dựng và khai thác có hiệu quả các sản phẩm và dịch vụ xoay quanh các thương hiệu đặc trưng của địa phương đang nỗ lực xây dựng; tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động du lịch, dịch vụ; hoàn thiện môi trường du lịch và liên kết, hợp tác phát triển du lịch; …
Về lĩnh vực du lịch, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu yêu cầu ngành du lịch cần giám sát hoạt động ca Huế trên sông Hương để vừa giữ gìn bản sắc vừa thu hút khách du lịch. Ngoài ra cần quy hoạch mạng lưới khách sạn và đào tạo nhân lực cho du lịch.
Cũng tại phiên chất vấn, một số vấn đề về giải pháp phục hồi, phát triển sản xuất và hỗ trợ doanh nghiệp cũng được làm rõ. Ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN)Việt Nam chi nhánh tỉnh cho biết, trước tác động kéo dài của diễn biến dịch bệnh COVID-19, kinh tế trong nước cũng chịu tác động của đà phục hồi chậm của kinh tế toàn cầu, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng khiến giá cả hàng hóa tăng mạnh, rủi ro lạm pháp gia tăng… NHNN chi nhánh tỉnh đã triển khai chính sách hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh như, triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của Thống đốc NHNN Việt Nam; tiếp tục theo dõi, chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện có hiệu quả chính sách cơ cấu nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và các thông tư sửa đổi, bổ sung của NHNN Việt Nam…
“Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ tín dụng, ngành Ngân hàng đã thực hiện giảm phí giao dịch thanh toán. Trong 2 năm gần đây, NHNN Việt Nam đã 3 lần thực hiện giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng cho các tổ chức tín dụng. Công ty cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và các tổ chức tín dụng đã nhiều lần thực hiện giảm phí giao dịch thanh toán cho khách hàng. Thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã mạnh tay cắt giảm, miễn phí dịch vụ, triển khai các chương trình “Zero fee””, ông Phạm Bá Nam thông tin.
Kết luận phiên chât vấn, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tinh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu đánh giá, công tác chất vấn trả lời chất vấn được triển khai có trọng tâm, tập trung vào các điểm nóng và cơ bản bám sát nội dung chương trình. Các nội dung chất vấn còn lại sẽ được trả lời bằng văn bản.
Bài, ảnh: Lê Thọ