Nhân lực ở các vị trí lễ tân tại các khách sạn 4-5 sao cũng cần được xác định là nguồn nhân lực chất lượng cao
Thay đổi cách tiếp cận
Du lịch Huế nói riêng và cả nước nói chung bị thiếu hụt khá nhiều vị trí được cho là nhân lực chất lượng; hoặc khi có những dịch vụ mới, đội ngũ tiếp cận chưa có.
Theo phân tích của Tổng cục Du lịch mới đây, nhân lực chất lượng cao là lực lượng lao động tham gia vào quá trình phát triển du lịch, gồm cả nhân lực trực tiếp và nhân lực gián tiếp. Bên cạnh những người làm việc trong các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch; các đơn vị sự nghiệp du lịch; các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, nhân lực gián tiếp là bộ phận nhân lực làm việc trong các ngành, các quá trình liên quan đến hoạt động du lịch như văn hóa, hải quan, giao thông, xuất nhập cảnh, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ công cộng, môi trường, bưu chính viễn thông, cộng đồng dân cư... Nhân lực du lịch có độ bao phủ tương đối rộng và chất lượng không chỉ tác động và đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển du lịch, mà còn góp phần không nhỏ vào sự phát triển các ngành, các lĩnh vực khác có liên quan.
Ở một cách tiếp cận khác của giới chuyên môn, trước đây, các loại hình du lịch truyền thống, gắn với tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí là cơ bản. Hiện nay, nhiều sản phẩm du lịch mới đang hình thành, phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của mọi đối tượng du khách. Phải kể đến xu hướng du lịch phiêu lưu, du lịch thông minh, du lịch sáng tạo, công tác kết hợp nghỉ ngơi, du lịch chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe sau dịch bệnh... Xu thế số hóa sẽ làm thay đổi sâu sắc phương thức quản lý, kinh doanh và tiêu dùng du lịch. Điều này đòi hỏi cần có lực lượng nhân lực có tri thức phong phú và toàn diện hơn cả về kiến thức, chuyên môn, tay nghề, kỹ năng, ngoại ngữ...
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho hay, nhân lực du lịch không chỉ có những người quản lý, mà tất cả các bộ phận của những cơ sở dịch vụ lưu trú 4-5 sao, những lao động phục vụ trong những sản phẩm gắn với du lịch thông minh, du lịch MICE, du lịch golf… đều được ngành du lịch Huế đưa vào vị trí cần có nhân lực chất lượng cao. Hay như trong giai đoạn hiện nay, khi Huế tổ chức nhiều lễ hội để phát triển du lịch, có thể thấy đội ngũ tham gia tổ chức, Huế phải đi thuê bên ngoài để thực hiện, như đạo diễn, âm thanh, ánh sáng… Vì vậy, đòi hỏi có nhân lực chất lượng đảm nhiệm vai trò làm chủ tổ chức.
Lao động phục vụ đánh golf cần được xác định là nhân lực chất lượng cao
Đồng bộ giải pháp
Trường cao đẳng Du lịch Huế đưa ra con số rằng, nhu cầu tuyển dụng lao động, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt gần 100%, nhưng lao động ở lại Huế làm việc chỉ chiếm 10%. Có một chỉ số đánh giá thị trường đang cần nhân lực chất lượng hay không đó là sự phát triển về số lượng các khu nghỉ dưỡng cao cấp, hay các khách sạn lớn. Ở Huế, số lượng điểm đến có quy mô được hình thành không nhiều, nhu cầu tuyển dụng lao động thấp.
Trước khi dịch COVID-19 xảy ra, Huế có hơn 14.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch và hơn 30.000 lao động gián tiếp. Điều lo lắng là nhiều nhân sự cao cấp, trung cấp trong ngành giờ đã ổn định với công việc mới. Sự “chảy máu” nhân lực đã xảy ra nhiều năm qua, nay càng khó khăn hơn. Dịch bệnh cũng như là cột mốc, đánh giá chu kỳ phát triển mới cho ngành du lịch Cố đô; cho những giải pháp mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Theo chuyên gia, đánh giá sự phát triển bền vững của điểm đến, bên cạnh sản phẩm phải kể đến nguồn nhân lực. Chất lượng dịch vụ tốt luôn cần có một hệ thống từ quản lý, vận hành, đến phục vụ phải chuyên nghiệp, chất lượng. Các doanh nghiệp lớn thường thuê những người điều hành giỏi để vận hành. Hay những người quản lý nổi tiếng về “đầu quân” cho điểm đến nào đó cũng góp phần xây thương hiệu cho điểm đến.
Ông Nguyễn Văn Phúc cho biết, hiện tỉnh đang xây dựng đề án về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có du lịch. Theo đó, rất nhiều giải pháp sẽ được triển khai đồng bộ. Tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách và các cơ chế quản lý về phát triển nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm thống nhất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Ngoài đào tạo tại chỗ, Huế sẽ thu hút thêm hút nguồn lực chất lượng từ bên ngoài, đặc biệt là những người Huế thành công trở về cống hiến cho địa phương. Các cơ sở đào tạo mời các chuyên gia hàng đầu đến Huế giảng dạy. Đối với các doanh nghiệp, có chính sách về lương tốt cho nhân lực chất lượng. Nhà nước cũng sẽ có chính sách miễn thuế một phần để doanh nghiệp sử dụng nguồn kinh phí đó thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cũng theo ông Phúc, ngành sẽ tập trung tạo nhiều việc làm cho người lao động ngành du lịch bằng việc kêu gọi đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch đầu tư mới, mở rộng quy mô kinh doanh, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, hình thành nhiều tuyến, điểm du lịch mới mang tính hệ thống và liên kết trong địa phương và liên kết vùng. Gắn kết công tác tào tạo với kế hoạch sử dụng lao động của từng địa phương trong tỉnh, nhất là những địa bàn du lịch trọng điểm của tỉnh, như TP. Huế, huyện Phú Vang, Phú Lộc.
Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế thẳng thắn, giảng viên mà không biết dịch vụ 5 sao hiện nay có những quy chuẩn gì, cách mở cửa phòng sử dụng công nghệ như thế nào… thì làm sao dạy sinh viên. Do đó, cần tập trung nâng phát triển đội ngũ giảng viên và đào tạo viên du lịch đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, chuẩn về chất lượng để đáp ứng nhu cầu đào tạo, tăng quy mô và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành du lịch. Thu hút các nhà khoa học có trình độ, các doanh nhân, chuyên gia tham gia đào tạo. Tiếp tục đào tạo kỹ năng cho đội ngũ thẩm định viên, giám sát viên, đào tạo viên du lịch và sử dụng hiệu quả đội ngũ này trong đào tạo nhân lực ngành du lịch theo nhu cầu của xã hội.
Bài, ảnh: QUANG SANG