Học sinh học trực tuyến khi dịch bệnh bùng phát
Phòng học thông minh
Ở Thừa Thiên Huế, mô hình phòng học thông minh (SmartEdu) được triển khai thí điểm tại 3 trường: THCS Nguyễn Tri Phương, THPT chuyên Quốc Học và THPT Phú Bài cùng đối tác NTT (Nhật Bản), trên cơ sở phối hợp với VNPT Thừa Thiên Huế. Mỗi trường được Sở Giáo dục và Đào tạo đầu tư 1 phòng học thông minh, với nhiều thiết bị, như: Bảng tương tác, camera, mạng internet, micro, loa đài... với trị giá trên 700 triệu đồng/lớp, giúp giáo viên và học sinh dễ dàng tiếp cận với phương pháp giảng dạy hiện đại. Các trường chọn 1 lớp có khoảng 40 em/lớp học thí điểm và học đều hết các môn.
Có dịp tham dự tập huấn triển khai hệ thống phòng học thông minh tại Trường THPT Phú Bài, cảm nhận chung là không khí học tập sôi động. Bài giảng của giáo viên sinh động hơn. Mô hình phòng học thông minh giúp mở rộng không gian, tài liệu, phương pháp và hình thức dạy học, giúp người dạy và người học vượt qua các giới hạn của bài giảng ở trên lớp học. Học sinh học trên mô hình này đóng vai trò trung tâm, còn giáo viên là người hỗ trợ. Việc tổ chức dạy học tương tác, ra bài tập, kiểm tra bài cũ, đưa tài liệu, nhận phản hồi từ học sinh… đều được thao tác trên máy. Mỗi học sinh chỉ cần một phương tiện có thể kết nối mạng như máy tính bảng, điện thoại thông minh là có thể truy cập vào bài học một cách dễ dàng.
Em Trần Lê Khánh Nguyên, học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Tri Phương vui vẻ: “Em rất thích học ở phòng học thông minh vì giúp em và các bạn dễ dàng tương tác với giáo viên thông qua hình ảnh trực quan. Những môn học xã hội không còn nhàm chán khi em được tiếp cận với tác phẩm, nhân vật, sự việc cụ thể để hiểu rõ vấn đề hơn”. Còn cô giáo dạy tiếng Anh Trương Hoàng Bảo Nhi của Trường THPT chuyên Quốc Học chia sẻ, phòng học thông minh hỗ trợ tốt cho các hoạt động làm việc nhóm, hoạt động học và luyện kỹ năng viết, học sinh thuyết trình sinh động. Thầy trò có thể tương tác trực tiếp với nhau được nhiều hơn.
Ứng dụng phổ biến công nghệ số
Phòng học thông minh được xem là bước khởi đầu cho việc hình thành hệ sinh thái giáo dục thông minh thuộc Đề án “Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 định hướng đến năm 2025” được phê duyệt tại Quyết định số 1779/QĐ-UBND ngày 10/8/2018 của UBND tỉnh.
Ứng dụng công nghệ thông tin được các trường học triển khai từ nhiều năm trước. Ngành giáo dục và đào tạo Thừa Thiên Huế đã có bước chuyển mạnh mẽ ứng dụng công nghệ mới của cuộc cách mạng 4.0. Đến nay, hơn 590 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông với hơn 273.000 học sinh, 22.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành giáo dục đã được số hóa bằng mã định danh. Một thống kê sơ bộ cho thấy, 100% thông tin về quản lý con người, cơ sở dữ liệu, chất lượng đào tạo, một số tài nguyên khác… đều được thực hiện trên môi trường mạng. Học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử là 2 nội dung đã được xây dựng và tích hợp thành công trên nền tảng di động Hue-S. Ngành giáo dục cũng đã công bố 27 thủ tục hành chính công bố mức độ 3 - 4.
Khi dịch bệnh COVID - 19 bùng phát, Thừa Thiên Huế là địa phương chọn phương án dạy học trực tuyến và học trên truyền hình sớm nhất cả nước. Thầy giáo Lê Triều Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà giáo viên ứng dụng tốt CNTT mà do trong nhiều năm, họ đã nghiên cứu, xây dựng bài giảng E-Learning, sử dụng phần mềm trình chiếu, phần mềm hỗ trợ soạn giảng tương tác, phần mềm dạy học để đổi mới nội dung, phương pháp dạy học… khá thuần thục.
Hướng đến vị trí dẫn đầu
Năm 2020, Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế được Cục Công nghệ thông tin tham mưu Bộ GD&ĐT lựa chọn là 1 trong 5 tỉnh đi đầu về chuyển đổi số của ngành giáo dục. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã thông báo số 499/TB-UBND ngày 29/12/2020 của về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc nghe báo cáo chuyển đổi số ngành giáo dục. Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Ban chỉ đạo và Tổ công tác chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo được thành lập theo Quyết định số 483/QĐ-SGDĐT ngày 9/3/2021 của Giám đốc Sở GD&ĐT do ông Nguyễn Tân, giám đốc làm Trưởng ban.
Ngành GD&ĐT Thừa Thiên Huế đang tập trung vào hai nội dung là chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá năng lực. Chuyển đổi số trong quản lý giáo dục bao gồm số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các công nghệ 4.0 để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định trong ngành giáo dục và đào tạo một cách nhanh chóng, chính xác. Trong dạy, học, kiểm tra và đánh giá bao gồm số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng E-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm…), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến.
Đầu tháng 7 này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu đoàn công tác đã đến làm việc với tỉnh về tình hình phát triển giáo dục, đào tạo và công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 trên địa bàn. Đánh giá cao về công tác chuyển đổi số trong ngành giáo dục Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế cần hướng đến đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; ưu tiên thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu ngành để phục vụ quản lý, hoạch định các chính sách phát triển giáo dục, đồng thời phát huy thế mạnh của công nghệ thông tin vào đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả giảng dạy.
Để chuyển đổi số trong giáo dục ở Thừa Thiên Huế mang lại hiệu quả thiết thực, cũng tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân đề nghị Bộ GD&ĐT hỗ trợ nguồn lực giúp Thừa Thiên Huế có thêm điều kiện đi tiên phong xây dựng mô hình thí điểm và quan tâm mời gọi các nhà đầu tư xúc tiến dự án xây dựng trường ngoài công lập chất lượng cao, trường quốc tế tại Thừa Thiên Huế nhằm đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập chất lượng cao cho người dân.
Bài, ảnh: ĐAN DUY