Tuy không sống trên địa bàn, nhưng hẳn nhiều người cảm thấy vui và nhẹ nhõm khi Dự án Nhà máy Điện rác Sóc Sơn (Hà Nội) chính thức đưa vào vận hành. Nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác châu Âu, công suất đốt 4.000 tấn rác mỗi ngày, thu được 75MW điện mỗi giờ, khi tất cả các lò đi vào hoạt động sẽ đốt tới 70% số rác ở Hà Nội thải ra mỗi ngàỳ.

Rác thải từ lâu là vấn đề lớn của nhiều đô thị. Hầu hết các nhà máy chôn lấp rác hiện nay đang quá tải và phát sinh nhiều hệ lụy; không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng sống của người dân mà còn liên quan đến an ninh trật tự, khi không ít lần người dân ở gần các khu tập kết rác bức xúc ra chặn xe không cho tiếp tục chở rác vào, bởi ô nhiễm từ chính khu xử lý rác. Và khi đó, rác lại ùn ứ trong lòng đô thị. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Hà Nội mà còn tại nhiều địa phương khác. Riêng tại Thừa Thiên Huế cách đây 5 năm, người dân thôn Nam Phước, Lộc Thủy (Phú Lộc) đã ra đường chặn xe chở rác vào khu xử lý rác đóng trên địa bàn, vì bãi rác gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của họ…

Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh. Theo thời gian, một số bãi đang dần bị quá tải; trong khi ước tính mỗi ngày toàn tỉnh phát sinh khoảng 600 tấn rác thải sinh hoạt. Hy vọng khi Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn (Hương Thủy) đi vào hoạt động sẽ giải quyết một phần đáng kể tình trạng quá tải về rác thải trên địa bàn. Đây là nhà máy được xây dựng theo mô hình Nhà máy đốt rác - phát điện, công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt khoảng 600 tấn/ngày đêm, với tổng mức đầu tư gần 1.700 tỷ đồng. Trong lần kiểm tra tiến độ dự án gần đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã đánh giá cao sự nỗ lực của chủ đầu tư, đơn vị thi công đã khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục của dự án; đồng thời, đề nghị khẩn trương triển khai các hạng mục còn lại để sớm hoàn thành, đưa nhà máy vào vận hành…

Việc hiện đại hóa các nhà máy xử lý, tái chế rác là cần thiết, bởi sự tiêu hủy của rác tại các bãi tập kết lâu nay diễn ra rất chậm trong khi lượng rác thải phát sinh hàng ngày rất lớn, gây nên tình trạng quá tải, ô nhiễm tại các bãi rác. Bên cạnh đó, việc vừa xử lý rác, vừa biến rác thải thành điện, vật liệu xây dựng cũng góp một phần vào việc giải quyết nguồn năng lượng, vật liệu xây dựng, san lấp… đang thiếu hụt; góp phần hạn chế khai thác quá mức vào môi trường tự nhiên. Đây là hiệu quả cao nhất.

Tuy nhiên, để xử lý rác triệt để trong môi trường không thể trông chờ hoàn toàn vào các nhà máy xử lý, tái chế hiện đại mà cần hơn nữa vào ý thức, hành động của người dân, ngành chức năng. Đó là việc bỏ rác đúng nơi quy định, không xả rác ra môi trường, nhất là các khu vực khó thu gom như sông, biển, đầm phá; có thói quen phân loại rác để các nhà máy thuận tiện trong xử lý… Đơn vị vệ sinh môi trường cũng phải đầu tư trang thiết bị hợp lý để thu gom, xử lý rác. Chẳng hạn như việc vận động người dân phân loại rác tại nhà nhưng khi công dân đi thu gom vẫn đẩy chiếc xe cũ và đổ chung lại, khiến người dân không tích cực hưởng ứng.

Đi cùng với sự ra đời của các nhà máy xử lý, tái chế rác hiện đại thì những tồn tại trên cần được khắc phục để việc xử rác ngày một hiệu quả hơn.

ĐẶNG THÀNH