Bên hông chợ luôn tụ tập nhiều người mua bán (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: MC

Có việc suốt buổi sáng, đến gần trưa 2 vợ chồng tôi mới có thể đèo nhau trở về nhà. Cơm canh chưa có gì, ngang qua chợ Bến Ngự, bà vợ tôi bảo dừng lại tranh thủ mua mớ rau, khuôn đậu phụ về làm cơm trưa. Nhanh thôi, nhưng mà quá nắng nên tôi phải rà xe kiếm bóng râm đứng chờ để tránh bị mặt trời thiêu đốt.

Ở trên vỉa hè là chỗ có nhiều người tranh thủ bày hàng mua bán. Tôi đã rất ý tứ dừng xe nép qua một bên để khỏi cản trở sự mua bán của họ. Hơn nữa nghĩ mình dừng tối đa có 5 phút, lại chỉ là chiếc xe máy, chắc cũng chẳng chết ai. Vậy mà một người bán hàng trên vỉa hè vẫn hất hàm: “Mua chi không?” - “Không ạ, chờ ít phút thôi, đi liền bây giờ.” - “Không được, đi chỗ khác mà đậu cho người ta còn buôn bán!”…

Ui trời, sao lại có chuyện ngược đời thế này? Chiếm dụng vỉa hè người ta chưa nói, lại còn tỏ ra quyền hạn, đuổi người, đuổi xe ở chỗ không có biển báo cấm. Bực, định đôi co chút cho vui, nhưng rồi ngẫm cũng chả để làm gì. Nhỡ gặp “dân chợ búa” lại thêm rách việc không đáng. Tôi nổ máy rời đi, may cũng đúng lúc bà vợ vừa quay ra.

Mà cái chuyện “quyền hạn ngược đời” tương tự như trên không phải là hiếm gặp. Ai có ô tô sẽ biết, đến những khu vực trung tâm, dừng, đỗ một tí là lập tức bị chủ nhà ra quát buộc đi nơi khác, dù trước nhà họ là cả khoảng vỉa hè mênh mông, và đoạn đường ấy không hề có biển cấm ô tô dừng đỗ. Hay như mới hôm qua đây thôi, chú em tôi than vãn chuyện đường đi chung vào xóm nhà chú bị một gia đình ở đầu đường chiếm dụng một phần diện tích để làm bậc cấp riêng, lại còn khoanh ô trồng hoa, rồi lại “nghiêm cấm” hàng xóm không được để gà, chó đến phá. Con cún con nhà chú không may sẩy ra, lon ton giẫm mất một ít khóm hoa mười giờ, vậy là vợ chồng chú bị người ta kêu ca mắng mỏ. “May hôm qua tôi không có hơi men, chứ có chút thì không khéo mà chiến tranh to.” - Chú em tôi bực dọc kể. Chuyện ấy cũng tương tự chuyện ở xóm tôi. Một chị chàng tranh thủ đất công, đất tư còn trống để trồng rau, rồi cấm tiệt gà, chó trong xóm không được thả ra phá của chị. Riêng chị ta thì cứ vài ba bữa lại điềm nhiên mang phân, nước tiểu ra tưới. Mùi xú uế tỏa bốc nồng nặc cả xóm, chị chàng cho là điều… bình thường. Cũng may mà xóm hiền, chứ có một vài cái đầu nóng thì chẳng biết điều gì sẽ xảy ra.

Ấy là những chuyện con con, chứ nhìn rộng ra, còn thấy nhiều chuyện “quyền hạn ngược đời” ngao ngán hơn nữa. Cái câu cửa miệng có tính trào phúng đang phổ biến hiện nay “Mày biết tao là ai không?” chính là phát xuất từ những câu chuyện thể hiện quyền hạn ngang ngược kiểu “cua cậy càng, cá cậy vây” như vậy trong xã hội. Đó là thực trạng rất đáng phê phán và rất nên phải triệt tiêu, xã hội khi ấy mới có thể văn minh, phát triển.

THƯỢNG BÍCH