Những món đồ cổ được rao bán trên mạng xã hội

Lọt giữa chợ mua bán ấy, không khó để bắt gặp những người Huế “đi chợ”. “Mua bán kiểu ni rất tiện, chỉ cần ngồi một chỗ là giao dịch được ngay”, Nguyễn Trung - một người trẻ chuyên giao dịch đồ cổ ở Huế nói, nhưng cũng không quên nhắc rằng phải luôn thận trọng, cảnh giác.

Chỉ cần một cú kích chuột, có thể vào ngay các trang web, diễn đàn mua bán đồ xưa cổ trên mạng xã hội hoạt động theo hình thức nhóm kín có, công khai có với sự tham gia của hàng ngàn thành viên, từ trong Nam cho đến ngoài Bắc. Trong số đó có nhiều người Huế có kinh nghiệm hoặc người trẻ thích thú tham gia.

Dạo quanh các “chợ” đồ xưa cổ người tìm hiểu sẽ không khỏi choáng ngợp với đủ các món hàng được người bán đăng lên và bên dưới là những bình luận, trao đổi trước khi ngã giá nếu muốn được sở hữu. Ở đó, tập trung đa dạng các món hàng từ đồ gốm, cho đến đồ gỗ, đồ đồng… với đa dạng hoa văn, họa tiết, kích thước ở nhiều niên đại khác nhau.

Cũng như các diễn đàn khác, những diễn đàn này đưa ra quy định rõ ràng: “Cấm tất cả các thành viên không được đăng bất cứ bài viết nào mà không liên quan đến cổ vật…”. Nguyễn Trung cho biết, đã tham gia những nhóm như thế này được hơn một năm. Ban đầu chỉ để học hỏi, sau đó cũng có trao đổi và mua bán một vài món hàng.

“Đồ mình bán chủ yếu là các loại đồ xưa cổ của Huế như gốm, đồ gỗ. Mua bán kiểu này khá thuận tiện, chỉ cần đăng ảnh, nhắn tin riêng với một vài thao tác nhanh gọn” - Trung nói, nhưng cũng cho rằng, cần phải có kinh nghiệm nếu không cũng dễ “ăn lừa” như chơi.

Từng nhiều lần giao dịch thành công, dù chưa bị lừa nhưng Trung cho hay đã từng “bị thả bom”. “Người ta xem và chốt đơn hàng. Mình gói ghém cẩn thận, chuyển hàng thông qua một công ty chuyển phát nhanh và nhờ thu tiền hộ. Hàng đến nơi thì không liên lạc được, người mua xóa ứng dụng tin nhắn trên facebook, tắt điện thoại”, Trung kể lại và tất nhiên những lần như thế người gửi như Trung phải mất phí. Đó là chưa kể quá trình vận chuyển dễ xảy ra hư hỏng, tróc bể.

Theo kinh nghiệm của giới chuyên mua bán đồ xưa cổ, cũng như nhiều mặt hàng khác có xu hướng kinh doanh trên nền tảng công nghệ, vì thế mua bán đồ xưa cổ online cũng là nhu cầu tất yếu. Tuy nhiên, đây là mặt hàng đặc thù, người bán lẫn người mua phải kinh nghiệm, có thâm niên trong nghề, nếu không sẽ rất dễ mất tiền oan. “Hầu hết các mặt hàng đồ xưa cổ bày bán trên này có giá trị vừa phải. Riêng mặt hàng có giá trị lớn người ta phải giao dịch, xem hàng trực tiếp hoặc giới có uy tín quen biết với nhau mới tự tin giao dịch”, anh Trần Hữu, một người chơi đồ cổ cho hay.

Theo anh Hữu, giá một món đồ thường giao dịch online chỉ khoảng vài triệu đồng đổ lại. Đồ được giao dịch nhiều nhất vẫn là gốm, sứ, đồng. “Không những rẻ, mà món hàng đó phải đáp ứng các tiêu chí độc lạ mới dễ nhận được sự chú ý của người mua”, anh Hữu kinh nghiệm. Ở góc độ khác, ngoài việc mua bán, đây như một diễn đàn để nhiều người chia sẻ, giao lưu và học hỏi kinh nghiệm sưu tầm cổ vật; thông qua đó, có thêm vốn kiến thức liên quan như lịch sử, mỹ thuật…

Bài, ảnh: NHẬT MINH