Các container hàng hoá tại cảng Mundra, Ấn Độ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Các nhà quan sát cho rằng, động thái nối lại các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do, sau khi gần một thập kỷ gián đoạn có thể được thúc đẩy bởi “sự cấp bách chưa từng có”. Những lo ngại địa chính trị hiện nay dường như đã buộc cả hai bên phải giải quyết những khác biệt của họ, và theo đuổi một hiệp định thương mại, mặc dù quyết định nối lại các cuộc đàm phán đã được đưa ra một năm trước.
Đơn vị Tình báo Kinh tế (EIU) thuộc báo The Economist nhận định, hiệp định thương mại này dự kiến sẽ tăng gấp đôi thương mại giữa Ấn Độ và EU trong vòng 5 năm tới, từ mức ước tính 115 tỷ USD vào năm 2021.
Trước đó, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal và Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis đã chính thức tái khởi động các cuộc đàm phán tại Brussels vào tháng 6 vừa qua. Được biết, vòng đàm phán đầu tiên đã được tổ chức từ ngày 27/6 - 1/7 tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ), và vòng đàm phán tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra tại thủ đô Brussels (Bỉ) vào tháng 9 tới đây.
“Cả hai đối tác hiện đang nối lại các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do sau thời gian khoảng 9 năm, kể từ khi các cuộc đàm phán trước đó tạm ngừng hồi năm 2013, do sự khác biệt về phạm vi và kỳ vọng từ hiệp định này”, Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ thông tin.
Nhiều lợi ích thương mại chung
Nếu được ký kết, hiệp định thương mại này sẽ là một trong những hiệp định thương mại quan trọng nhất đối với Ấn Độ, bởi theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, Liên minh châu Âu là đối tác thương mại lớn thứ hai của quốc gia này, sau Mỹ.
Thương mại hàng hóa giữa Ấn Độ và EU đã đạt mức cao nhất mọi thời đại, ở mức 116,36 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2022, đánh dấu mức tăng trưởng 43,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu của Ấn Độ sang EU đã tăng 57%, lên mức 65 tỷ USD.
Trong một động thái liên quan, số liệu từ Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy, thương mại dịch vụ song phương giữa EU và Ấn Độ đã đạt 30,4 tỷ euro (tương đương 30,68 tỷ USD) trong năm 2020.
Bên cạnh đó, hiệp định thương mại có thể dẫn đến nhiều lợi ích cho cả hai bên, chẳng hạn như khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn dành cho các doanh nghiệp, hỗ trợ cắt giảm thuế quan, đồng thời tạo điều kiện cho hoạt động lưu thông hàng hóa…
Bà Arpita Mukherjee, giáo sư tại Hội đồng nghiên cứu về quan hệ kinh tế quốc tế của Ấn Độ nói thêm, trong khi một hiệp định với khối EU sẽ phức tạp hơn so với một hiệp định với một quốc gia riêng lẻ, hiệp định thương mại này sẽ giúp các công ty trong khối 27 thành viên tiếp cận thị trường Ấn Độ rộng lớn, cũng như đa dạng hóa các chuỗi cung ứng của họ.
Lê Thảo (Lược dịch từ CNBC)