Doanh nghiệp cần vốn phục hồi sau dịch
Cho vay thế chấp nhiều hơn tín chấp
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Thừa Thiên Huế, đến cuối tháng 6 năm nay, vốn huy động tại các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn khoảng 59.400 tỷ đồng, tăng 6,8% so với đầu năm. Nguồn vốn huy động có tốc độ tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ, trong đó nguồn vốn tiết kiệm dân cư đã có sự tăng trưởng trở lại. Tổng dư nợ cấp tín dụng khoảng 69.000 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với đầu năm, đạt 64,5% kế hoạch, là mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ của các năm trước. Tín dụng tăng trưởng hợp lý so với mức tăng trưởng các ngành kinh tế của địa phương; tín dụng khối DN có sự tăng trưởng trở lại sau thời gian 2 năm chịu tác động trực tiếp của dịch COVID-19.
Kết quả điều tra Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, gần 50% số DN gặp khó khăn trong tiếp cận vốn. Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh - Dương Tuấn Anh thông tin: Đến giữa năm 2022, Thừa Thiên Huế có gần 450 DN thành lập mới, 335 DN hoạt động trở lại; trong tổng số hơn 5.000 DN đang hoạt động. Tuy nhiên, phần lớn DN hiện nay chỉ có thể tiếp cận được những khoản vay ngắn hạn, các khoản vay trung và dài hạn còn hạn chế.
Khách hàng giao dịch tại Techcombank
Giám đốc một DN kinh doanh vận tải ở TP. Huế thẳng thắn: Chúng tôi đang vay vốn lãi suất 10%/năm, theo hình thức thế chấp tài sản với lãi suất thị trường, chưa dễ tiếp cận được các gói vay ưu đãi. Để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi hay lãi suất thấp hiện vẫn dựa vào những thương lượng giữa DN với ngân hàng (NH). Công ty này đang hoạt động, phục hồi trở lại trong giai đoạn sau COVID-19, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn khá khó khăn bởi cần phải đáp ứng nhiều điều kiện của NH. Trong khi, giám đốc các NH thương mại trên địa bàn có chung quan điểm: NH cũng là một DN kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, họ cũng phải tự chịu trách nhiệm trước tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị các ngân hàng “mẹ” của mình.
Qua tìm hiểu, có một số nguyên nhân khiến cho các DN gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn. Đó là việc xem xét cấp tín dụng của các chi nhánh NH còn phụ thuộc nhiều vào trụ sở chính về mức cho vay và các điều kiện tín dụng khác, hay quy định về các điều kiện cấp tín dụng… DN thường gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn từ NH, do không có tài sản bảo đảm, trong khi đó, nhiều NH lại chỉ chú trọng đến tài sản bảo đảm khi cho vay khách hàng; đó là rào cản khả năng tiếp cận vốn để phục hồi SXKD của DN. Nên chăng, NH cần chuyển hướng sang cho vay tín chấp nhiều hơn, khi mà các khách hàng đáp ứng được những điều kiện, đặc biệt sau giai đoạn dịch COVID-19.
Cân nhắc việc nới lỏng cấp tín dụng
Theo lãnh đạo NHNN Thừa Thiên Huế, các NH đã có nhiều giải pháp cụ thể để đưa nguồn vốn tín dụng đến với DN, góp phần phục hồi kinh tế. Với phương châm chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng người dân và DN bằng chính nguồn lực của ngành NH, các giải pháp được triển khai trong thời gian qua, nhất là giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, giúp giảm áp lực cho DN trong trả nợ vay NH, tạo điều kiện để DN tiếp tục vay mới khôi phục, ổn định SXKD.
Ngoài các giải pháp về lãi suất, tín dụng, ngành NH đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng trên cơ sở rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục... đi đôi với việc tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng và kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD triển khai thiết thực, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn phục vụ SXKD. Các TCTD tiếp tục rà soát cơ chế, thủ tục cho vay phù hợp hơn với thực tiễn thị trường và tình hình mới, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống để hỗ trợ các DN được vay vốn NH thuận lợi.
Mục tiêu xuyên suốt và nhất quán của chính sách tiền tệ là phải đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động của các TCTD. Việc quy định các điều kiện cấp tín dụng là cần thiết để đảm bảo chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu phát sinh và cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng việc nới lỏng các điều kiện này.
Để tăng khả năng tiếp cận vốn, ngoài những giải pháp từ ngành NH, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các chính sách khác về tháo gỡ khó khăn cho SXKD theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ. Khi hoạt động SXKD được khơi thông, phương án kinh doanh khả thi, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận vốn.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của DN, HTX, HKD, với mức hỗ trợ lãi suất 2% một năm đến hết năm 2023. Chính sách này sẽ giúp DN được tiếp cận nguồn vốn NH với chi phí lãi suất thấp hơn, từ đó giúp giảm bớt chi phí kinh doanh, tăng hiệu quả hoạt động, tạo nền tảng và động lực phát triển nền kinh tế.
Bài, ảnh: Bạch Quang