Các gian hàng khởi nghiệp của phụ nữ Huế

Gìn giữ áo dài truyền thống

Ngay từ năm 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh chỉ đạo các cấp hội thành lập mô hình áo dài “Phụ nữ Thừa Thiên Huế - đồng hành cùng sắc tím”. Đến nay, 85% cơ sở hội đã hưởng ứng và thành lập mô hình; cán bộ và hội viên phụ nữ đều mặc áo dài màu tím trong những dịp lễ, tết, sự kiện, những lần sinh hoạt chi, tổ hội… “Có cơ hội mặc áo dài tím Huế, tôi rất hãnh diện và tự hào. Khi khoác lên mình áo dài tím Huế là một lần nhắc bản thân tôi phải rèn bản thân để giữ hình ảnh đẹp người phụ nữ Huế trong mắt mọi người”, chị Nguyễn Thị Anh Thư, hội viên phụ nữ phường Thủy Xuân (TP. Huế), chia sẻ.

Cùng với phát động cuộc thi ảnh online “Áo dài với di sản văn hóa Huế”; xây dựng các chương trình, hoạt động, video, clip và tổ chức quảng bá, truyền thông hình ảnh về áo dài Huế… Tỉnh hội thành lập mô hình “Áo dài yêu thương” và thông qua mô hình, có hơn 6.500 bộ áo dài được trao tặng đến hội viên, phụ nữ gặp khó khăn. Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức thành công hội thảo “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” nhằm hướng đến xây dựng thương hiệu “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam”; tiến hành xây dựng hồ sơ “Nghề may đo áo dài truyền thống Huế” đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới đệ trình UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể  của nhân loại.

Mới đây vào cuối tháng 6, Hội LHPN tỉnh tổ chức lễ ra mắt Trung tâm Hỗ trợ phát triển và khởi nghiệp phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế, là nơi truyền thông, quảng bá hình ảnh về áo dài Huế, ẩm thực Huế nhằm giữ gìn và phát huy nét văn hóa truyền thống của phụ nữ Thừa Thiên Huế, góp phần đạt mục tiêu đề án “Văn hóa Huế - con người Huế: Bảo tồn và phát triển”.

Với mong muốn góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế vẻ đẹp áo dài Huế, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai cuộc vận động phụ nữ mặc trang phục áo dài vào sáng thứ hai đầu tuần đến nơi làm việc, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Cuộc vận động đã tạo được hiệu ứng tích cực và nhận được sự hưởng ứng sâu rộng của phụ nữ trong tỉnh. “Ngày hội Áo dài cộng đồng Huế 2022” với hoạt động cộng đồng với chủ đề “Áo dài và cuộc sống” và “Trải nghiệm Áo dài truyền thống” cũng nhận được hưởng ứng của cán bộ, hội viên phụ nữ đã góp phần tôn vinh áo dài Huế, áo dài Việt Nam, khẳng định thương hiệu áo dài Huế, tuyên truyền quảng bá văn hóa Huế gắn với quảng bá, xúc tiến về du lịch.

Mỗi cơ sở hội có ít nhất một hoạt động

Chủ đề của Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 là "Phụ nữ Thừa Thiên Huế đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, xây dựng tổ chức hội vững mạnh; giữ gìn bản sắc văn hóa Huế, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương". Đại hội nhất trí thông qua 10 mục tiêu cụ thể trong giai đoạn tới; trong đó, có mục tiêu về hàng năm tất cả các cơ sở hội có ít nhất một loại hình hoạt động để vận động phụ nữ phát huy giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa Huế, con người Huế.

Thực tế cho thấy, trong vài năm trở lại đây, đã có khá nhiều phụ nữ tham gia các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đạt kết quả. Rất nhiều trong số đó, chú trọng phát huy giá trị văn hóa truyền thống xứ Huế,  như “Thêu may Đoan Trang - Bảo tồn bản sắc Văn hóa Huế qua những chiếc áo dài”, “Sen Huế” phục hồi và phát triển các sản phẩm từ đặc sản sen Huế... Mô hình “Hue Lotus Homestay - Phát triển du lịch Sen Huế”. Xuất phát điểm từ con số không, chị Dương Thị Thúy Hằng, Giám đốc Công ty CP Phát triển dịch vụ du lịch Sen Huế đã tự học, tìm tòi, rồi lên ý tưởng cho dự án du lịch của mình. Bằng tâm huyết của bản thân và tính khả thi của dự án, chị đã thuyết phục các nhà đầu tư, để có nguồn lực thực hiện ý tưởng khởi nghiệp của mình.

Bên cạnh đẩy mạnh công tác quảng bá, tuyên truyền và xây dựng thương hiệu Huế gắn với những đặc trưng di sản văn hóa, lịch sử, con người Huế và Huế là điểm đến an toàn, Hội LHPN tỉnh kết nối nữ chuyên gia ẩm thực ở Huế để mở 300 lớp đào tạo ẩm thực truyền thống Huế, nữ công gia chánh, xây dựng mô hình, quảng bá hình ảnh ẩm thực Huế cho hơn 12.600 cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia; phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, hướng dẫn phụ nữ lĩnh vực dịch vụ hình thành chuỗi địa chỉ đặc sản Huế an toàn, thân thiện phục vụ phát triển du lịch và đề án “Huế - Kinh đô ẩm thực”.

Bà Đặng Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Huế khẳng định, những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của BTV Thành ủy, của các cấp ủy Đảng và kế thừa những truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước, các cấp Hội trên địa bàn thành phố Huế đã tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua và các cuộc vận động của tổ chức hội; các hoạt động nhằm quảng bá, tôn vinh, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Huế ở góc độ của những người phụ nữ Huế.

Các hoạt động sôi nổi, thiết thực được các cấp hội phụ nữ và cơ sở tổ chức đã tạo ra sân chơi, cơ hội để phụ nữ Huế ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa Huế, con người Huế. Họ vừa là chủ thể tham gia sáng tạo, vừa là lực lượng trực tiếp tham gia vào các hoạt động gìn giữ, bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa ông cha truyền lại, bản sắc văn hóa truyền thống Huế, con người Huế thể hiện trên nhiều lĩnh vực và ở mọi mặt của đời sống xã hội.

Bài, ảnh: Huế Thu