Phụ nữ mặc áo dài để buôn bán ở các chợ

“Chợ quê ngày hội” trong dịp tuần lễ  Festival Huế 2022 diễn ra từ ngày 26 đến 30/6 cả trên bộ và dưới sông. Khai hội chợ quê là các mẹ, các chị, các thiếu nữ Huế với những tà áo tím dịu dàng đến từ các địa phương lân cận mang theo các sản phẩm nông sản, ẩm thực, tiểu thủ công mỹ nghệ đặc sắc để trao đổi, buôn bán.

Cứ đến kỳ Festival Huế, hội viên phụ nữ xã Thủy Thanh (TX.Hương Thủy) lại tất bật chuẩn bị cho hoạt động “Chợ quê ngày hội”. Các chị tham gia hoạt cảnh tái diễn phiên chợ quê không quên sửa lại đôi quang gánh, giặt, ủi lại bộ đồ bà ba, bộ áo dài truyền thống. Đại diện cho người phụ nữ nông thôn trình diễn trước hàng ngàn du khách gần xa nên phải chỉn chu, gọn gàng. Với những chị tại gian hàng ẩm thực, thì tham gia tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm do Hội LHPN xã phối hợp với các doanh nghiệp có chức năng liên quan mở.

Một trong hoạt động gây ấn tượng trong tuần lễ Festival Huế 2022 là lễ hội món ăn đường phố được tổ chức tại đường đi bộ phía sau Học viện Âm nhạc Huế. Lần đầu tiên, các “thương hiệu” bánh canh Nam Phổ mệ Dư, bánh khoái cá kình làng Chuồn... góp mặt với vai trò chủ thể tổ chức để phục vụ thực khách gần xa. Từ A Lưới về để cùng tham gia, chị Hồ Thị Nhung chia sẻ, để đảm bảo tính tươi ngon, tạo ấn tượng với khách, các chị phải mang nguyên liệu về tận nơi để chế biến. Vất vả thật, nhưng chị và đồng nghiệp vẫn vui vì là cơ hội không thể tốt hơn để A Lưới nói chung quảng bá ẩm thực đa dạng, độc đáo của mình.

Hưởng ứng Festival Huế 2022, Trung tâm Hỗ trợ phát triển và khởi nghiệp phụ nữ tỉnh tổ chức ngày hội khởi nghiệp với Hội chợ kết nối “Chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm truyền thống, ẩm thực giữa các doanh nghiệp nữ với các hội viên, phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp” với sự tham gia của 20 gian hàng trưng bày, giới thiệu gần 150 sản phẩm đặc sản, đặc trưng do phụ nữ làm chủ và của hội viên, phụ nữ sản xuất đến từ 9 đơn vị huyện/thị/thành phố, và của  các doanh nghiệp nữ. Cùng với đó là diễn đàn cố vấn khởi nghiệp với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong kinh tế số”; các cuộc thi nấu ăn “Chị Nest tài hoa, gia đình êm ấm”; pha chế “Sáng tạo thức uống trong ngày hè”; cắm hoa nghệ thuật “Những màu hoa mùa hạ”...

Góp phần tạo hình ảnh đẹp của Huế trong mắt du khách, vào các kỳ festival Huế, Hội LHPN tỉnh có kế hoạch chỉ đạo các cấp hội cơ sở vận động các hội viên, phụ nữ là tiểu thương tại một số chợ trên địa bàn TP. Huế (Đông Ba, An Cựu...) mặc áo dài bán hàng và giới thiệu sản phẩm; vận động, tuyên truyền nữ cán bộ, công nhân, viên chức ở các cơ quan mặc trang phục áo dài đi làm; vận động hội viên, phụ nữ mặc áo dài trong những buổi sinh hoạt hội viên, tham gia hội nghị, hội thảo được tổ chức vào dịp lễ hội.

Festival Huế đã bước qua một giai đoạn mới, kéo dài suốt bốn mùa trong năm, với hoạt động chính là các lễ hội dân gian, gắn với một số chương trình điểm nhấn. Lực lượng chủ đạo triển khai là quần chúng nhân dân và đội ngũ diễn viên, nghệ sĩ, những người làm nghệ thuật đang có trong tỉnh. Thay vì đầu tư vào các chương trình nghệ thuật mang tính hoành tráng, chi phí lớn, chỉ dùng một lần, nay chuyển sang khuyến khích sự sáng tạo, thử nghiệm đổi mới trong khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử Huế. Đó cũng là cơ hội để mấy o, mấy mệ... thông qua cấp hội phụ nữ các cấp thể hiện trí tuệ và đôi tay khéo léo của mình.

Bài, ảnh: Đan Duy