Cầu ngư - lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa Huế

Xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn nghệ sĩ

Sau khi Bí thư Đảng đoàn Liên hiệp hội Hồ Đăng Thanh Ngọc báo cáo về những hoạt động trọng điểm triển khai Nghị quyết 04 của Liên hiệp hội, tạp chí Sông Hương và các hội chuyên ngành, các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, giới văn nghệ sĩ… đã đề cập đến nhiều vấn đề để Thừa Thiên Huế phát triển hơn nữa trong lĩnh vực văn học nghệ thuật (VHNT). 

Tại buổi làm việc, các ý kiến đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan nhiều vấn đề. Đó là, Tỉnh ủy cần có riêng một Nghị quyết về phát triển VHNT trong tình hình mới. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội xác định mục tiêu, nhiệm vụ chăm lo phát triển VHNT là nhiệm vụ chung của toàn thể hệ thống chính trị, các cấp chính quyền... trên địa bàn tỉnh.

Đề nghị UBND tỉnh quán triệt các cơ quan ban ngành liên quan, các huyện, thị xã tham gia Đề án “Phát triển VHNT Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030”; sớm ban hành Nghị quyết xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh; cho chủ trương để Liên hiệp hội có cơ sở tiến tới ký kết các hoạt động VHNT với TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh từ năm 2023 đến 2025 và các năm tiếp theo; lập ngân hàng tác phẩm âm nhạc để có cơ sở phục vụ Festival Huế.

Nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh cần có sự định hướng lớn về VHNT để tạo sự đột phá; Liên hiệp hội cần có những việc làm trọng tâm hơn, lan tỏa sâu rộng hơn; lãnh đạo tỉnh có sự đổi mới, nhưng lãnh đạo cấp sở, ngành và chuyên gia nghiên cứu về VHNT chưa đổi mới nhiều, cần có sự thay đổi.

Liên hiệp hội phải là tổ chức tạo ra động lực lớn, đồng hành để góp phần đưa VHNT ngày càng đi vào đời sống xã hội; tỉnh cần đưa Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế ra khỏi nơi chật hẹp như hiện nay; đưa các hoạt động VHNT phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Tăng tốc thực hiện chính bằng hành động cụ thể

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nêu quan điểm, tỉnh thêm một lần nữa khẳng định và quyết tâm để xây dựng trở thành một trung tâm văn hóa của cả nước. Nghị quyết 04 là một trong những quyết tâm cao để đạt mục tiêu này.

Tuy nhiên, cần phải có sự đổi mới trong cách tiếp cận và có những bước đi đúng hướng theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Quan điểm chung là, kinh tế phát triển cùng đồng hành với văn hóa bằng những cơ chế chính sách cụ thể, đi kèm với những thiết chế văn hóa.  

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chia sẻ, năm 2021, Tỉnh ủy đã ban hành 8 Nghị quyết chuyên đề về sự phát triển đi lên của tỉnh. Để thực hiện, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra các giải pháp để thực hiện đạt hiệu quả cao nhất. Liên tục những ngày qua, Tỉnh ủy đã làm việc với một số làng văn hóa trên địa bàn tỉnh. Qua làm việc, nhiều vấn đề đặt ra liên quan đến văn hóa.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, thời gian thực hiện Nghị quyết 04 không dài nên Liên hiệp hội cần phải tăng tốc thực hiện chính bằng hành động cụ thể, sản phẩm cụ thể để đạt mục tiêu đề ra. Con người, sản phẩm và thiết chế văn hóa là vấn đề đặt ra.

Đảng đoàn Liên hiệp hội cần xác định và tiếp tục tham vấn, tư vấn cho tỉnh trong lĩnh vực VHNT; xây dựng được đội ngũ đầu ngành ở các lĩnh vực VHNT; vấn đề phối hợp, tập trung tháo gỡ khó khăn cũng là việc cần phải chủ động, tích cực hơn nữa.

Trước các ý kiến kiến nghị, đề xuất tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp thu, có sự chỉ đạo, triển khai thực hiện phù hợp.

Bài, ảnh: Anh Phong