Người nghèo rất dễ bị tổn thương khi thường phải mua sản phẩm giá rẻ không an toàn do tài chính hạn chế. Ảnh: PTI

Phân tích của UNCTAD cho thấy giá lương thực tăng 10% sẽ khiến thu nhập của các gia đình nghèo nhất giảm 5%, gần tương đương với số tiền mà các gia đình đó thường chi cho việc chăm sóc sức khỏe.

Và khi người tiêu dùng cố gắng giảm chi tiêu, họ sẽ phải trả giá đắt nếu mua những sản phẩm rẻ hơn nhưng không an toàn. Mỹ đã ghi nhận 43.000 người tử vong và 40 triệu người đau bệnh mỗi năm liên quan đến các sản phẩm tiêu dùng, với chi phí hàng năm trên 3.000 USD/người.

Phát biểu tại cuộc họp liên chính phủ về bảo vệ người tiêu dùng mới đây, Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan nhấn mạnh “các chính phủ phải cố gắng tiếp tục và thành công trong sứ mệnh lâu dài là bảo vệ người tiêu dùng”.

Trong khi các nước phát triển hơn đã áp dụng các khuôn khổ về an toàn sản phẩm, bao gồm luật pháp, cơ quan thực thi, cơ chế thu hồi và chiến dịch truyền thông, thì các nước đang phát triển có hệ thống yếu hơn, ít có khả năng điều chỉnh hậu quả do các sản phẩm không an toàn hơn. Do đó, cần có nhiều hợp tác quốc tế hơn để nâng cao tính an toàn của sản phẩm cho tất cả mọi người dân.

Theo UNCTAD, người tiêu dùng ngày càng dễ bị tổn thương, vì họ thường đánh giá thấp các rủi ro từ sản phẩm và có thể quyết định mua những sản phẩm rẻ nhất do điều kiện tài chính hạn chế, nhất là những người nghèo.

Năm 2020, UNCTAD đã thông qua khuyến nghị đầu tiên về tính an toàn của sản phẩm. Khuyến nghị này nhằm hạn chế dòng chảy các sản phẩm không an toàn đang được buôn bán trên thị trường quốc tế, thông qua việc tăng cường mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý an toàn sản phẩm và nâng cao ý thức cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

TỐ QUYÊN

 (Lược dịch từ UN)