Cửa đóng lại

Mẹ của B., một phụ nữ chất phác, chốc chốc lại lấy ống tay áo thấm nước mắt. Chị kể: “Hắn là anh cả của hai đứa em đang là học sinh. Hắn ngoan lắm, chưa lúc mô gây gổ đánh bậy với ai, lo học hành rồi phụ giúp công việc với cha mẹ. Lúc thằng con tui đỗ đại học, cả nhà tui vui mừng và tự hào lắm. Công việc nhà nông của vợ chồng tui rất vất vả, từ ngày B. theo học đại học, chi phí tăng lên, nên vợ chồng tui càng vất vả hơn. Thằng B. thương cha mẹ, đôi lúc có ý muốn “rẽ ngang”, theo học một nghề để nhanh chóng kiếm được tiền phụ giúp gia đình. Nhưng vợ chồng tui kiên quyết không đồng ý. Đỗ đại học, có nghĩa là cánh cửa tương lai tốt đẹp bắt đầu mở ra, vậy nên vợ chồng tui động viên hắn phải học cho tốt mới là cách giúp đỡ cha mẹ, cũng để làm gương cho hai đứa em. Riêng vợ chồng tui, ráng dậy sớm hơn, thức khuya hơn, chi tiêu chắt bóp hơn, để có tiền cho con học hành, có kiến thức khoa học, hi vọng sau này cuộc đời con sẽ tươi đẹp hơn cuộc đời cha mẹ. Biết B. có tình cảm với cháu H. cùng làng, vợ chồng tui cũng đồng ý thôi, vì tụi hắn đã đôi mươi cả rồi, có tình cảm với nhau cũng bình thường, miễn răng động viên nhau cùng học tập cho tốt là được. Không ai có thể ngờ, thằng con tui lại hành động sai lầm một cách nông nổi như rứa. Bị đi tù thì coi như cánh cửa tương lai đóng lại rồi còn chi”... Lúc này, người mẹ đau khổ không nén được bật khóc: “Đành rằng sai thì phải sửa, rồi thì làm lại, nhưng sẽ không dễ dàng chút mô”...
 
“Học phí”... giá đắt
 
Trước hội đồng xét xử, Nguyễn Văn B. thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội. Trả lời câu hỏi vì sao lại gây thương tích cho người thanh niên mà mình không hề quen biết, B. cho rằng, chỉ vì thấy người đó nhìn bạn gái mình một cách không bình thường nên cảm thấy bực tức. Trong lúc lời qua tiếng lại đã không kiềm chế được bản thân nên xảy ra hành vi đáng tiếc. Khi nghe vị đại diện viện kiểm sát đề nghị hội đồng xét xử phạt bị cáo mức án từ 2 năm đến 3 năm tù, một chị đứng ngoài hành lang phòng xử án, có vẻ như rất thân thuộc với gia đình bị cáo, nói giọng xót xa nhưng không giấu nổi bực bội: “Cái thằng (bị cáo) thiệt ngu. Công sức cha mẹ nuôi nấng dạy dỗ, hi sinh tất cả vì con, cho học hành tử tế thì phải cư xử cho tử tế chớ. Chừ, mất hết. Đi tù rồi chấm dứt học hành, lúc ra làm lại cũng khó. Bây chừ, nhà con bé Hạnh đã cấm tiệt, không cho con bé “dính” vô thằng B. nữa.
 
Nguyễn Văn B. lặng người. Nhiều người có mặt tại phòng xét xử cũng có cảm giác như “người trong cuộc” trước mức án mà bị cáo chắc chắn phải chấp hành. Điều đó khiến họ phải suy nghĩ rất nhiều đến cách cư xử trong cuộc sống thường nhật. Nguy cơ phạm sai lầm là rất lớn, thậm chí tự biến mình từ người lương thiện thành tội phạm hình sự nếu như không tự rèn luyện, biết kiềm chế bản thân, để xử sự đúng mực. Như trường hợp của cậu thanh niên Nguyễn Văn B., “học phí” cho bài học đó quá đắt giá.
 

Thùy Chi