Sử dụng thẻ CCCD gắn chíp, bệnh nhân tiết giảm thời gian và nguy cơ lây nhiễm bệnh do chờ đợi làm thủ tục
Ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử
Đã thành thông lệ, cứ đến ngày mùng 5 hàng tháng, chị Nguyễn Thị Nh., trú tại phường Thủy Biều, TP. Huế đến khám bệnh tại Bệnh viện Trung ương Huế bởi căn bệnh suy thận. Trước đây, khi đi khám bệnh chị luôn phải mang theo thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), sổ khám bệnh và xuất trình CMND cũ để bệnh viện kiểm tra lại thông tin và nhận diện ảnh. Trong đó, có nhiều lần chị quên thẻ BHYT và phải quay về lấy nên khá mất thời gian và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Sau khi BHXH tỉnh triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử để sử dụng CCCD gắn chíp trong KCB, giờ đây chị Nh. chỉ cần đưa CCCD có gắn chíp cho nhân viên y tế là nhanh chóng được khám bệnh. Thay vì mất 5 phút để đối chiếu và nhập tay các thông tin cá nhân, nay chị chỉ đưa CCCD cho nhân viên y tế quét tầm 1 phút là xong, giảm nguy cơ lây nhiễm trong điều kiện dịch bệnh.
Theo chị Nh., việc sử dụng CCCD khi KCB rất tiện lợi cho người dân. Trong đó, bệnh nhân chỉ việc khai báo ở chỗ quầy nhân viên phát số, sau đó chỉ cần thẻ CCCD gắn chíp là xong nên gặp lúc bệnh nhân đông cũng không mất nhiều thời gian chờ đợi.
Không chỉ thuận tiện cho người dân, việc triển khai KCB bằng thẻ CCCD gắn chíp thay cho thẻ BHYT còn đem lại nhiều tiện ích cho các cơ sở KCB, đặc biệt là các bệnh viện lớn như Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 1, cơ sở 2; Bệnh viện Trường đại học Y - Dược Huế; Trung tâm Y tế TP. Huế…
Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế TP. Huế, bên cạnh việc giảm bớt thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý trong lĩnh vực KCB, việc tích hợp này còn giúp cơ sở y tế xác định được bệnh sử của người bệnh, các lần đi khám trước đó sẽ lưu lại thông tin trên máy, như là một hồ sơ bệnh án điện tử thu nhỏ. Riêng đối với nhân viên y tế, khi bệnh nhân sử dụng thẻ CCCD gắn chíp sẽ xác định đúng bệnh nhân và toàn bộ thông tin của bệnh nhân, quá trình bệnh sử đã có trong chương trình của bệnh viện nên tiếp nhận nhanh, chính xác được người bệnh là ai.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Trên cơ sở chỉ đạo của BHXH Việt Nam và UBND tỉnh, thời gian qua BHXH tỉnh đã tập trung nguồn lực, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện việc chuyển đổi số (CĐS) ngành BHXH nhằm góp phần thực hiện thành công mục tiêu CĐS mà Chính phủ đề ra. Cùng với đó, cơ sở dữ liệu (CSDL) của ngành ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, sẵn sàng liên thông với CSDL của các bộ, ngành, địa phương khác đã mang lại nhiều lợi ích cho người tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT.
Để thực hiện mục tiêu CĐS, thời gian qua BHXH tỉnh đã thành lập tổ công tác triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, trong đó, đã cử cán bộ tham gia Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc của Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 tại địa phương, đồng thời rà soát dữ liệu, cập nhật bổ sung nhằm thống nhất thông tin còn thiếu, sai lệch giữa CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư.
Tính đến ngày 13/6/2022, đã hoàn thành 601.952 hồ sơ CCCD được đồng bộ liên thông với thẻ BHYT còn hiệu lực để đi KCB bằng CCCD. Đối với thủ tục “Liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi”, đến nay tất cả UBND các phường, xã, thị trấn và 9 phòng tư pháp cấp huyện trên địa bàn toàn tỉnh đã được liên thông CSDL khai sinh và cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi, đảm bảo quyền lợi thụ hưởng BHYT cho các cháu khi có phát sinh KCB theo quy định.
Theo lãnh đạo BHXH tỉnh, ứng dụng VssID - BHXH số có nhiều tính năng, tiện ích phục vụ linh hoạt các nhu cầu thông tin thiết yếu của người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp. Đặc biệt, khi sử dụng ứng dụng này, người dân có thể thực hiện nhiều giao dịch điện tử, thay thế cho nhiều loại giấy tờ, thủ tục trước đây, trong đó có việc sử dụng thẻ BHYT điện tử để KCB thay thế thẻ BHYT bằng giấy.
Theo đó, tính đến tháng 6/2022, số lượng đăng ký tài khoản VssID - BHXH số tại tỉnh Thừa Thiên Huế hơn 280 ngàn người. Ngoài ứng dụng VssID, BHXH Việt Nam đặc biệt chú trọng số hóa dữ liệu về BHXH; cung cấp 100% dịch vụ công mức độ 4 dành cho tổ chức và cá nhân trên Cổng dịch vụ công của ngành; đồng thời có 24/25 thủ tục hành chính của ngành được thực hiện kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia... Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng đã liên thông Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí; tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình trên dịch vụ công trực tuyến của ngành.
Bài, ảnh: Thanh Hương