Đồng chủ trì tổ chức hội thảo có các đơn vị: Trường ĐH CNTT và Truyền thông Việt Hàn (VKU), ĐH Đà Nẵng; Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế; Trung tâm CNTT tỉnh và các đơn vị nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực CNTT và Kinh tế số tại Miền Trung - Tây Nguyên và Hội Tin học TP. Đà Nẵng.
PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc ĐH Huế; Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế phát biểu tại hội thảo
CITA 2022 lần thứ 11 đánh dấu bước phát triển mới của CITA với nhiều điểm nổi bật, đã có 110 bài báo khoa học của gần 400 tác giả trong và ngoài nước, trong đó có gần 50% bài báo được viết hoàn toàn bằng tiếng Anh gửi nộp vào hội thảo. Tất cả các bài báo đều được phản biện nghiêm túc, chặt chẽ và kỹ lưỡng bởi ít nhất 2 thành viên phản biện với sự cố vấn chuyên môn của các nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực CNTT và kinh tế số.
Kết quả, có 60 bài báo được lựa chọn để xuất bản trong kỷ yếu hội thảo CITA 2022 có chỉ số ISBN và tham gia báo cáo tại các phiên của hội thảo CITA 2022 với tỷ lệ bài báo được chấp nhận là 54%. Đặc biệt, đã có 4 bài báo chất lượng tốt được lựa chọn để xuất bản trong số dành riêng cho CITA 2022 của Chuyên san các công trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNTT và truyền thông (ISSN 1859-3526), Tạp chí Thông tin và Truyền thông uy tín của Bộ Thông tin và Truyền thông. Ngoài ra, ban tổ chức và ban chương trình quyết định lựa chọn thêm 9 bài báo để trình bày với hình thức “Poster Presentation” tại hội thảo, được xuất bản trong kỷ yếu hội thảo CITA 2022 không có chỉ số ISBN.
Tại phiên toàn thể của CITA 2022, hội thảo được nghe báo cáo đề dẫn về các vấn đề và xu hướng phát triển trong lĩnh vực CNTT, truyền thông và kinh tế số trên thế giới hiện nay của GS.TSKH Nguyễn Ngọc Thành đến từ ĐH Bách khoa Wroclaw, Ba Lan. Hội thảo diễn ra 11 phiên với nhiều chủ đề hay và phát triển mạnh hiện nay trong CNTT, truyền thông và kinh tế số, gồm: Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo; Xử lý ảnh và ngôn ngữ tự nhiên; Công nghệ phần mềm và Hệ thống thông tin; Kinh tế số; Mạng truyền thông; Chuyển đổi số và Đô thị thông minh.
Tin, ảnh: Hữu Phúc