Khủng hoảng lương thực toàn cầu đang là mối đe dọa đối với nhiều quốc gia. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN/Vietnam+

Được biết, các hộ gia đình nghèo, các quốc gia có thu nhập thấp và các nước đã trải qua khủng hoảng nhân đạo như Yemen, Syria và Lebanon chịu tác động nặng nề nhất do gián đoạn thương mại kéo dài và giá lương thực tăng cao, gây nên bởi xung đột ở Ukraine.

Với việc không thúc đẩy căng thẳng với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cùng lúc cũng không làm mất lòng bạn bè phương Tây, Indonesia đang ngày càng cho thấy mình là quốc gia có đủ điều kiện nhất để dẫn đầu Nhóm G20 trong thời điểm đầy thách thức này.

Nguồn gốc của G20 bắt nguồn từ Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1998. Việc nâng cấp cuộc họp lên thành Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo sau năm 2008 đã giúp huy động phản ứng toàn cầu đối với Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đã thay đổi toàn bộ cấu trúc quản trị toàn cầu.

G20 là diễn đàn đầu tiên về hợp tác kinh tế quốc tế, bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển, chiếm khoảng 95% GDP của thế giới vào năm 2020.

Tuy nhiên, những thách thức mà G20 phải đối mặt ngày hôm nay được nhận định là phức tạp hơn và tập trung vào những lỗ hổng và những điểm yếu trong quản trị toàn cầu đã xuất hiện theo thời gian.

Hiện Nhóm G20 cũng đang phải vật lộn với những tác động của COVID-19, sự chia rẽ địa chính trị ngày càng sâu sắc và ảnh hưởng từ xung đột Nga – Ukraine.

Khủng hoảng gây nên những tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là do giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao. G20 nhìn chung có sức mạnh để giải quyết các khủng hoảng toàn cầu và kỳ vọng rằng, với sự lãnh đạo của Chủ tịch G20 là Indonesia, G20 sẽ đưa thế giới thoát khỏi những tai ương đang tồn tại.

Chủ tịch G20 – Indonesia đã đặt ra 3 ưu tiên: Cơ sở hạ tầng y tế toàn cầu, chuyển đổi kinh tế kỹ thuật số và chuyển đổi năng lượng. Tuy nhiên, do giá lương thực và nhiên liệu tăng, an ninh lương thực toàn cầu đang là vấn đề ngày càng được quan tâm trong chương trình nghị sự của G20.

Được biết vào tháng 5, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc đã thông qua một nghị quyết không cần bỏ phiếu về “Tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu”, trong đó kêu gọi cộng đồng quốc tế, bao gồm cả G20 “đặt an ninh lương thực toàn cầu lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của họ và hỗ trợ các nỗ lực đa phương trong việc tìm kiếm các giải pháp hợp lý cho cuộc khủng hoảng”.

Mặc dù an ninh lương thực toàn cầu đã được thảo luận từ lâu trong Hội nghị thượng đỉnh G20 từ năm 2011, song tiến bộ về hợp tác an ninh lương thực toàn cầu vẫn rất ít ỏi.

Các phản ứng về an ninh lương thực toàn cầu và khu vực hầu như không tồn tại, bất chấp các cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu vẫn tiếp tục tái diễn.

Do đó, các bước cụ thể hướng tới hợp tác lương thực toàn cầu có thể là “di sản” của nhiệm kỳ chủ tịch G20 của Indonesia và là một thành tựu lịch sử. Sự hợp tác này có thể ở dưới hình thức các bộ đệm lương thực toàn cầu và khu vực, cũng như minh bạch dữ liệu về dự trữ lương thực quốc gia, hoặc thậm chí là một hiệp ước lương thực quốc tế, buộc các nước có dư phải hỗ trợ các nước đang thiếu hụt.

Nếu không có sự hợp tác như vậy, nhiều khả năng chúng ta sẽ tiếp tục phải chứng kiến khủng hoảng lương thực toàn cầu tái diễn, bao gồm cả những khủng hoảng từ lệnh cấm xuất khẩu.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA)