Nơi sản xuất của Công ty Việt Á tại Bình Dương và địa chỉ liên lạc tại quận Phú Nhuận. Ảnh: tienphong.vn

Năm 2020, Công ty công nghệ Việt Á được trao tặng Huân chương Lao động hạng 3 khi sản xuất ra kit test COVID-19. Chẳng bao lâu sau, Công ty và giám đốc bị dính vào án hình sự, bị khởi tố từ chính những que test gian dối này.

Cách đây hơn 6 năm, Trịnh Xuân Thanh, Tổng giám đốc PNC được được tặng Huân chương Lao động hạng 3 và nhiều danh hiệu cao khác. Sau đó không lâu, công ty này làm ăn thua lỗ, thất thoát gần 3.300 tỷ đồng và Thanh đã bị tòa án xét xử chung thân.

Chúng ta thường nghe đâu đó vào dịp kỷ niệm của từng ngành, địa phương, tổng kết cuối năm, lại rộ lên hàng loạt tập thể, cá nhân được trao tặng các danh hiệu thi đua với nhiều bằng khen, huân chương các loại. Cuối năm học, lại rộ lên giấy khen về thành tích học tập của học sinh. Những hội diễn chuyên ngành của giới nghệ sĩ, các cuộc thi hoa hậu lại rộ lên tai tiếng lùm xùm về “hậu trường” của những người đoạt giải cao …

Chúng ta đã được chứng kiến những tấm gương cao đẹp “Vì nước quên thân”, những người làm việc hết mình vì cộng đồng, hàng nghìn chiến sĩ xông pha vào tâm dịch, cả những tấm gương quên mình lao xuống dòng nước cứu người bị nạn… Khi đó họ đâu có nghĩ đến huân chương và đâu có so đo với tính mạng, sức khỏe của bản thân bị đe dọa.

Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Anh hùng Hồ Giáo (người 2 lần được phong tặng Anh hùng Lao động) khi cấp trên muốn đề bạt làm lãnh đạo đã có câu nói giản dị là đã quen với chăn bò rồi, không muốn làm lãnh đạo. Ngược lại, một ai đó háo danh cố để “chạy” cho có được danh hiệu đã mang tham vọng cá nhân, lệch chuẩn văn hóa, không xứng đáng với những danh hiệu cao quý. Người ta mơ ước và cố giành cho được “bảng vàng” chỉ là để đánh bóng tên tuổi, tô hồng thành tích, với mục đích xa hơn là được lên lương, đề bạt hay được hưởng quyền lợi chính trị khác. Những “tấm gương” xấu đó không những làm tổn hại đến phong trào thi đua chung mà còn ảnh hưởng đến chất lượng danh hiệu cao quý của Nhà nước.

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta là tấm gương mẫu mực, trong sáng, cao đẹp về danh dự và trách nhiệm của vị lãnh tụ vì nước, vì dân. Tại kỳ họp, Quốc hội khóa 2 (1963) dự định trao tặng Bác “Huân chương Sao vàng”(Huân chương cao nhất của Nhà nước ta). Bác đã khiêm tốn từ chối với câu nói hết sức giản dị: “Tôi xin phép Quốc hội chưa nhận huân chương ấy. Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình, thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi tấm gương cao quý”. Cho đến lúc đi xa trên ngực của người vẫn không một tấm huân chương. Khi giữ cương vị Chủ tịch nước, Bác Hồ đã ký hàng ngàn huân chương, bằng Tổ quốc ghi công… Những kỷ vật này đã được mỗi gia đình trang trọng gìn giữ như những báu vật vô giá. Đó không chỉ là danh dự của mỗi người, mỗi nhà mà còn là linh hồn thiêng liêng mà Bác đã ban tặng. Những tấm huân chương cao quý đó gắn với tên gọi Hồ Chí Minh - người được cả dân tộc yêu mến, kính trọng với tên gọi thân yêu: Bác Hồ.

NGUYỄN AN HÒA