Tuổi đã cao nhưng bà Vui vẫn hăng say lao động
Gần trưa, bà Trần Thị Vui từ ruộng lúa của mình về. Cái nắng gay gắt khiến những giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt, nhưng nụ cười của người phụ nữ 74 tuổi vẫn nhẹ nhõm. Bà Vui nói rằng, tuổi đã cao, sức lực đã giảm sút rất nhiều, nhưng khi vẫn còn có thể lao động, bà vẫn muốn đóng góp, để xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp.
Người cha kính yêu của bà Vui cũng đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Pháp, hy sinh vì quê hương, Tổ quốc. Không sờn lòng, người mẹ tiếp tục thực hiện lý tưởng của chồng, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đào hầm giữa nhà, nuôi giấu cán bộ. Chú ruột của bà Vui, ông Trần Phong cũng hoạt động cách mạng, anh dũng chiến đấu (sau này trở thành Anh hùng Lực lượng vũ trang).
Năm 1965, bà Vui là Bí thư Đoàn thanh niên thôn Thanh Lam, liên lạc viên cho đường dây liên lạc huyện Phú Vang và Hương Thủy. Năm 1968, bà Vui bị địch bắt, giam giữ tại nhà lao Thừa Phủ. Người nữ đảng viên 53 tuổi đảng trầm giọng khi kể lại những ngày tháng trong lao tù, bị địch tra khảo đánh trào máu, bị gí điện các đầu ngón tay, ngón chân và đầu vú, đau đớn vô cùng, hòng để bà khai thông tin của các đồng chí đang hoạt động bí mật, nhưng bà Vui vẫn một lòng kiên trung, không khuất phục.
Tháng 5/1970, sau khi ra tù, bà Vui vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, trở thành đảng viên. Từ cái mốc quan trọng này, bà Vui ý thức và tự xác định, trong bất cứ nhiệm vụ nào, trách nhiệm cũng sẽ nặng nề hơn, bản thân phải gương mẫu hơn. Chính vì vậy, với cương vị là Phó Bí thư kiêm thư ký chi bộ thôn Thanh Lam, bà Vui tiếp tục hoạt động cách mạng mạnh mẽ, cho đến ngày quê hương giải phóng.
Ông Trần Nhơn Mâng, Trưởng phòng Lao động, Thương binh & Xã hội huyện Phú Vang cho biết, phát huy tinh thần người chiến sĩ cách mạng, trách nhiệm của người đảng viên, trong cuộc sống thời bình, bà Vui là một trong những điển hình lao động sản xuất kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế gia đình, chung tay xây dựng, phát triển quê hương.
“Tôi vừa làm ruộng, vừa mở quầy kinh doanh phân bón, cung cấp phân bón cho bà con nông dân trong vùng. Lúc trước chưa có máy móc như bây giờ. Ra ruộng từ mờ sáng. Công việc ruộng vườn và buôn bán cứ túi bụi cả ngày dài. Vất vả lắm. Chồng tôi mất sớm, một mình nuôi 3 con ăn học, nên càng vất vả hơn. Nhưng tôi vẫn cố gắng”. Bà Vui bộc bạch rằng, sự cố gắng của bà đã mang đến kết quả.
Nhà có của ăn của để. Vậy nên, trước đây trong thôn trong xóm hễ gia đình nào thiếu lúa, thiếu gạo ăn, đến hỏi mượn, bà Vui sẵn lòng cho mượn, đến mùa trả. Có người mượn 15 thùng lúa, mỗi mùa trả 1 thùng, bà Vui vẫn vui vẻ, đồng thời không quên nói lời chia sẻ, động viên. Trong những khoản đóng góp việc thôn, việc xóm, bao giờ bà Vui cũng đóng nhiều hơn mọi người, đặc biệt là đóng góp để xây dựng điện thắp sáng, đường sá.
Nữ thương binh - đảng viên độ tuổi “xưa nay hiếm” bày tỏ, biết sẻ chia và sống có ích là cách bà gương mẫu, để con cháu noi theo. Vậy nên, bây giờ đã có cơ ngơi ngôi nhà tiền tỷ, các con đều trưởng thành, công ăn việc làm vững vàng, nhưng bà Vui vẫn chăm sóc luống rau, vạt ớt trong vườn, tự tay làm 5 sào ruộng.
Bài, ảnh: DUY TRÍ