Mẹ Việt Nam Anh hùng Trương Thị Beo bên người con trai thứ còn sống

Huyền thoại

Những ngày tháng 7 lịch sử, chúng tôi lại quay trở về vùng quê Phú Vang. Nơi đây có biết bao chiến sĩ hy sinh và hàng trăm bà mẹ được phong tặng, truy tặng "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng", có công với cách mạng. Nhiều người vợ, người mẹ không chỉ động viên chồng, con lên đường đánh giặc mà mình còn trực tiếp tham gia chiến đấu. Có mẹ làm cơ sở cách mạng, nuôi giấu cán bộ, thương binh. Có mẹ quyên góp tiền của phục vụ kháng chiến. Có mẹ trực tiếp cầm súng tham gia kháng chiến, làm giao liên cho bộ đội...

Mẹ Trương Thị Beo, quê ở Phú Đa (Phú Vang) có 3 người con hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nay đã ngoài 100 tuổi, nhưng được dâu con, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp quan tâm chăm sóc, phụng dưỡng nên mẹ vẫn còn vui sống cùng con cháu. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mẹ Trương Thị Beo đều là cơ sở cách mạng, nuôi giấu nhiều cán bộ, bộ đội về hoạt động và chiến đấu trên địa bàn.

Ông Mai Xuân Hùng, con trai thứ 5 của Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Trương Thị Beo từng nghe mẹ kể, giai đoạn giao tranh ác liệt, trong làng chỉ còn khoảng 13 chóp nhà có người trụ lại. Còn lại di tản, chạy giặc tứ phía. Là căn cứ địa cách mạng, nhiều vùng ở Phú Đa thường bị địch tập trung đàn áp, càn quét khốc liệt, dã man. Hồi đó, những ai bị địch tình nghi, hoặc hễ thích là chúng lôi ra đường làng, trói tay chân, cạy miệng đổ xà phòng vào bụng tra tấn tàn khốc mà chẳng cần biết lý do.

Hai mắt mẹ Beo giờ đã mờ hoàn toàn, nhưng thi thoảng mẹ vẫn góp chuyện kể cho con, cháu nghe chuyện anh em, đồng đội. Nhớ lại chuyện người con cả Mai Bá Liệu và con thứ 3 Mai Bá Viết hy sinh tại quê nhà cũng là lúc mẹ đang cùng đồng đội tham gia tiếp tế lương thực cho bộ đội. Nhận hung tin, mẹ đau tận tâm can, muốn vội ôm con vào lòng, nhưng không thể. Dù biết chỗ con bị địch bắn chết, nhưng mẹ và gia đình không thể, thậm chí không dám công khai đến mang xác con về. Phải đợi đến lúc bọn địch kéo đi hết, gia đình mới lén đem xác con về chôn cất.

Nhiều đêm nằm, mẹ luôn ám ảnh và sợ sẽ lại mất đi thêm người con nào nữa. Nhưng một khi đã tham gia cuộc kháng chiến chính nghĩa để giành độc lập, tự do cho dân tộc, thì mất mát, hy sinh là lẽ thường và mẹ lại gạt những dòng lệ, nuốt nước mắt vào lòng. Mẹ vẫn gan dạ tham gia chiến đấu và hai lần bị địch bắt giam cầm ở nhà lao Thừa Phủ - Huế, một lần bị đày ra nhà lao Côn Đảo.

Người con thứ hai là anh Mai Đức Thế thoát ly và hy sinh tại địa bàn Phú Lộc vào năm 1973, cũng là lúc mẹ Beo đang bị giam cầm tại nhà lao Côn Đảo. Phải mất một thời gian khá dài, tin con trai thứ 2 hy sinh mới đến được với mẹ. Lòng quặn đau, nhưng mẹ đành nuốt nước mắt vì còn phải đấu tranh, phải chống cự những đòn roi tra tấn tàn bạo của kẻ thù. Lòng mẹ càng kiên cường và thêm tự hào về sự hy sinh của đứa con trai thứ mà mẹ thương yêu và kỳ vọng.

Kể về anh trai Mai Đức Thế, ông Hùng vẫn tự hào và thương tiếc về người anh đa tài, đàn giỏi, làm thơ hay, lúc nào cũng tếu táo, vui vẻ. Khi hay tin anh mất, cảnh nhà càng thêm hiu hắt, phần vì mẹ đang bị địch bắt đày đi đâu không rõ sống chết. "Trước ngày nước nhà sắp giải phóng, mẹ suýt chút nữa lại bị địch bắt. Nhưng mẹ vẫn gan dạ lắm, vì với mẹ, nỗi đau mất con, mất nhà, mất cửa mẹ đều đã nếm trải đủ thì mẹ không còn sợ chi nữa hết", anh Hùng xúc động kể.

Xứng đáng được vinh danh

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh đã thực hiện hiệu quả, thiết thực chính sách đối với người có công, hết lòng, hết sức phụng dưỡng các Bà mẹ VNAH bằng nhiều việc làm ý nghĩa để đáp lại phần nào những cống hiến, hy sinh cao quý của các mẹ. Lễ truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ VNAH cho 6 cá nhân và tặng thưởng Huân chương Độc lập cho các gia đình có con duy nhất hoặc nhiều con liệt sĩ nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7/1947- 27/7/2022 còn là trách nhiệm, là tình cảm, là nén tâm nhang thắm tình tri ân của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn tỉnh thành kính dâng lên các anh hùng liệt sĩ và các Bà mẹ VNAH.

Nhận truy tặng danh hiệu vinh dự "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" cho mẹ VNAH Huỳnh Thị Hoành, con gái Phan Thị Lệ ngoài 80 tuổi vô cùng xúc động, cảm kích trước sự vinh danh của Đảng, Nhà nước dành tặng cho mẹ mình. Đây là niềm tự hào không chỉ của người mẹ đã khuất mà còn là món quà rất ý nghĩa của gia đình và người thân.

Bằng tấm lòng tri ân sâu sắc, tại buổi lễ truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng", Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương bày tỏ, trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhưng cũng rất hào hùng ấy, biết bao thế hệ thanh niên Việt Nam đã ra chiến trường và đã hy sinh, có những người hy sinh khi tuổi còn chưa tròn đôi mươi, có những cái tên người đồng đội chưa kịp nhớ. Nhưng có những hy sinh còn cao lớn hơn, đó là sự hy sinh thầm lặng của những bà mẹ đã mất chồng rồi lại mất con. Bao vết thương rồi sẽ lành, nhưng vết thương đau đớn nhất vẫn là vết thương lòng của những người mẹ, đứt từng núm ruột khi những người con ra đi không trở lại, nhưng các mẹ vẫn kiên cường, vẫn dũng cảm tự làm lành vết thương, để sống, chiến đấu, nuôi dưỡng cho bao đàn con tiếp tục giữ lấy truyền thống của người Việt Nam, của phụ nữ Việt Nam "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh".

Đến hôm nay, toàn tỉnh đã có 2.473 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH. Trong đó, có 2.436 Bà mẹ VNAH đã mất và 37 Bà mẹ VNAH còn sống. Bây giờ, những mẹ còn sống đều tuổi cao sức yếu, không còn lo việc đồng áng, gánh gồng mua bán hay lui tới cùng các con, cháu tham gia công tác xã hội, nhưng các mẹ vẫn tiếp tục vượt lên những đau thương, mất mát, làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho gia đình và xã hội, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp hơn.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG