Nguồn vốn vay giúp ông Hồ Văn Khánh và nhiều hội viên phát triển sinh kế ổn định
Đa dạng mô hình
Là cựu chiến binh, bị thương tật do ảnh hưởng của bom đạn, chất độc hóa học trong quá trình chiến đấu, thị lực của ông Hồ Văn Khánh (Lộc An, Phú Lộc) chỉ còn 5%. Không thể tiếp tục thực hiện ước mơ theo đuổi nghề giáo sau khi phục viên, ông Khánh quyết tâm chuyển đổi theo hướng chăn nuôi, trồng trọt để cải thiện thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Ông chia sẻ: “Cũng nhờ hội tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay, từ năm 2005 tôi đã bắt đầu nuôi lợn nái. Tăng dần nguồn vốn lên mỗi năm, từ 3 lên 5 triệu, 10 triệu, đến nay tôi được vay 20 triệu. Số tiền này dùng để đầu tư xoay vòng, từ đó mang lại thu nhập”.
Vì lợn bị dịch bệnh, ông nhanh chóng xoay vốn sang làm đại lý bán keo giống. Hiện tại, trung bình vườn keo của ông Khánh có từ 1 - 3 vạn cây giống. Từ nhiều nguồn thu, kinh tế gia đình ông dần được cải thiện, con cái được học hành tử tế và đều có công ăn việc làm ổn định.
Nhờ được tạo điều kiện, chẳng riêng ông Hồ Văn Khánh, nhiều gia đình hội viên đã dùng nguồn vốn vay để phát triển nhiều ngành nghề khác nhau. Không chỉ trồng trọt, chăn nuôi, làm hương, chổi đót hay mở cơ sở massage, buôn bán nhỏ lẻ, hoạt động cho vay vốn còn giúp xoay vòng phát triển các cơ sở sản xuất, từ đó tạo điều kiện cho nhiều gia đình có thêm nghề nghiệp để cải thiện, nâng cao thu nhập.
Với phương châm “Thành lập tổ chức hội đến đâu thì thành lập cơ sở sản xuất đến đó”, 1 công ty, 3 HTX và 2 cơ sở sản xuất đã được hưởng lợi từ chương trình vay vốn. Tổng số vốn cho vay quay vòng của các cơ sở trên đạt xấp xỉ 2,6 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch HNM tỉnh, cho biết: “Nguồn vốn trên được bổ sung vào nguồn vốn mua nguyên, vật liệu, tổ chức sản xuất, từ đó giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động là hội viên tham gia làm việc tập trung tại cơ sở và 45 lao động gia công tại hộ gia đình. Đây còn là cơ hội việc làm cho một số lao động là người khuyết tật và con em hội viên tham gia”.
Ổn định sinh kế
Theo thống kê của HNM tỉnh, sau 30 năm triển khai cho vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm, tổng nguồn vốn cho vay của HNM trên 32,6 tỷ đồng cho 473 dự án và gần 7.000 lượt hội viên được tiếp cận vốn vay. Có trên 50% đối tượng người vay là hội viên nữ, 13% hội viên là đồng bào dân tộc thiểu số và thu hút thêm hơn 7.800 lao động là thân nhân gia đình hội viên.
Đại diện HNM tỉnh cho biết: “Với động lực từ nguồn vốn vay, tỷ lệ hội viên nghèo từ 78,95% trong toàn hội năm 1994 đến nay đã giảm xuống chỉ còn 17,6%”. Tiêu biểu trong những hội viên vay vốn làm ăn có hiệu quả có thể kể đến như ông Huỳnh Tri, Hồ Xuân Tên (A Lưới), ông Nguyễn Lương, Nguyễn Văn Tiến, Huỳnh Hiền (Hương Thủy), ông Phan Hữu Tâm, ông Lê Đình Hải (Hương Trà), bà Hồ Thị Bé, ông Phạm Hợi (Quảng Điền)...
Còn tại các cơ sở sản xuất, HTX, nhờ nguồn vốn ban đầu tập trung vào phát triển máy móc và đầu tư vào nguyên vật liệu, Công ty TNHH MTV Niềm tin 17/4, HTX Nhân đạo, HTX Niềm tin đã đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với sự nỗ lực, cố gắng của công ty, các HTX và cơ sở sản xuất dịch vụ trực thuộc, chỉ trong sáu tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu toàn hội đã đạt trên 2 tỷ đồng.
Điểm nổi bật nhất của công tác cho vay vốn trong thời gian qua của HNM, đó là không có trường hợp nợ quá hạn cũng như không để vốn tồn đọng tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Bài, ảnh: Mai Huế