Đương nhiên đây là một cảm xúc thật, cho dù việc tinh giản biên chế trong các cơ quan Nhà nước đã được thực hiện, nhằm để giảm sự quá tải, cồng kềnh và cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bội chi ngân sách. Việc rà soát, điều chỉnh và tinh gọn bộ máy thông qua rút gọn các chỉ tiêu biên chế vẫn đang được các cơ quan đặt lên “bàn nghị sự” hàng năm. Điều này đã “xốc” lại trách nhiệm, tinh thần và thái độ của đội ngũ, song cũng cần phải thừa nhận rằng, không phải ai cũng nhận thấy điều đó để nỗ lực hơn.

Tôi cứ nghĩ về một sự thay đổi, và nhiều người sẽ nghĩ lại về sự “chắc suất” của mình ở một công sở nào đó khi việc tinh giản bộ máy sẽ đặt ra ở một yêu cầu cao hơn. Chúng ta đang ở năm 2022, nhưng đến năm 2026, ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước phải được tinh giản theo Kết luận 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị. Vấn đề còn ở chỗ, một số cơ quan lâu nay “nấn ná” với các lý do vì yêu cầu của công việc mà chưa thực hiện tinh giản 10% biên chế trong giai đoạn 2016-2021 thì phải đồng thời vừa tiếp tục thực hiện tinh giản trong giai đoạn này, vừa thực hiện mục tiêu tinh giản của giai đoạn 2022-2026.

“Độ mở” của Kết luận 40-KL/TW theo cách hiểu của chúng tôi, chính là ở chỗ các cơ quan, tổ chức, đơn vị tự quyết định việc sử dụng hợp đồng lao động và trả lương, phụ cấp cho lao động hợp đồng theo quy định từ ngân sách chi thường xuyên. Lộ trình, và cả quy trình thực hiện việc tinh giản này ở các cơ quan, đơn vị sẽ được thực hiện trong thời gian tới, thông qua soát xét, kiện toàn bộ máy; hướng đến việc sử dụng công chức, viên chức theo vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh và đánh giá năng lực, hiệu quả công việc ở từng vị trí. Dài hơi hơn, là chú trọng vào chất lượng trong công tác tuyển dụng với các tiêu chí cụ thể.

Việc đặt lên bàn cân ai, vị trí nào sẽ sẽ được sắp xếp, tinh giản trong lộ trình này không phải là điều dễ dàng đối với những nhà quản lý. Tâm lý và tình cảm cũng là điều sẽ tác động mạnh đến những con người cụ thể, nhất là khi điều đó có thể sẽ làm thay đổi đến công việc và cuộc sống của chính họ. Nhưng chắc chắn, phải dựa vào thước đo của trách nhiệm và tính hiệu quả đối với công việc ở mỗi người. Nhiều người nói rằng, sẽ là giai đoạn nhiều áp lực, nhưng theo chúng tôi, đây cũng là lúc mà công chức sẽ phải thôi kiểu làng nhàng hết ngày, hết giờ để thật sự cạnh tranh lành mạnh với nhau dựa trên tiêu chí chất lượng, hiệu quả với công việc.

Không chỉ là việc rà soát, kiện toàn và tổ chức lại bộ máy để vận hành nó một cách tốt hơn, hợp lý hơn dựa trên việc phát huy năng lực và sở trường ở mỗi nhân sự/trong từng vị trí… mà đối với những người làm công tác quản lý, vấn đề còn ở chỗ làm thế nào để đảm bảo được đời sống của cán bộ, nhân viên. Chẳng hạn đặt ra mục tiêu tiết kiệm chi như thế nào, hoặc tổ chức các nguồn thu (đối với các đơn vị sự nghiệp có thu) ra sao để có thể vừa đảm bảo lương, phụ cấp; vừa duy trì được phúc lợi cho người lao động…

Chắc chắn đó sẽ là áp lực, nhưng chỉ là áp lực ban đầu vì bộ máy sẽ vận hành hiệu quả, chất lượng trên cơ sở mỗi người đều phải nỗ lực, cố gắng trong guồng quay vì sự phát triển.

MINH HÀ