IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm xuống còn 3,2% trong năm nay. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo IMF, nhiều rủi ro đã được cảnh báo trong Triển vọng Kinh tế Thế giới hồi tháng 4 đã bắt đầu trở thành hiện thực. Bản cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng 7/2022 cũng nêu bật những hậu quả đáng kể của sự đình trệ ở ba cường quốc kinh tế chính trên thế giới là Mỹ, Trung Quốc và các nền kinh tế lớn ở châu Âu.

Ông Pierre-Olivier Gourinchas, Giám đốc Nghiên cứu của IMF cho biết: “Triển vọng đã tối đi đáng kể kể từ tháng 4. Thế giới có thể sẽ sớm đứng trên bờ vực của cuộc suy thoái toàn cầu, chỉ hai năm sau cuộc suy thoái gần đây nhất”.

Từ đó, IMF dự báo cơ bản tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại từ mức 6,1% của năm ngoái xuống còn 3,2% trong năm nay - thấp hơn 0,4% so với dự báo hồi tháng 4.

Ba nền kinh tế chủ chốt

Với lạm phát cao hơn dự kiến ​​- đặc biệt là ở Mỹ và các nền kinh tế lớn nhất châu Âu - các điều kiện tài chính toàn cầu đang trở nên chặt chẽ hơn.

Tại Mỹ, sức mua hộ gia đình giảm và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn sẽ khiến tăng trưởng giảm xuống còn 2,3% trong năm nay và 1% trong năm tới, theo IMF.

Sự suy thoái ở Trung Quốc còn nghiêm trọng hơn dự đoán trong bối cảnh COVID-19 vẫn tiếp tục bùng phát và nhiều nơi phải phong toả, cùng với những tác động tiêu cực từ cuộc xung đột Ukraine.

Hơn nữa, việc tiếp tục đóng cửa và khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng ở nước này đã đẩy tăng trưởng giảm xuống còn 3,3% trong năm nay - mức chậm nhất trong hơn 4 thập kỷ, không kể thời kỳ đại dịch.

Và tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu, tăng trưởng đã được điều chỉnh xuống 2,6% trong năm nay và 1,2% vào năm 2023, phản ánh tác động lan tỏa từ cuộc xung đột Ukraine và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.

Lạm phát

Bất chấp sự suy thoái toàn cầu, lạm phát lại được điều chỉnh tăng, một phần do giá thực phẩm và năng lượng tăng vọt.

Năm nay, lạm phát được dự đoán sẽ đạt 6,6% ở các nền kinh tế tiên tiến và 9,5% ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển - tương ứng với mức điều chỉnh tăng lần lượt là 0,9 và 0,8 điểm phần trăm. Và dự đoán, con số này sẽ còn tăng ở mức cao hơn nữa.

Lạm phát cũng đã gia tăng ở nhiều nền kinh tế, phản ánh “tác động của áp lực chi phí từ các chuỗi cung ứng bị gián đoạn và thị trường lao động thắt chặt”, quan chức IMF nêu rõ.

Rủi ro suy giảm

Báo cáo chỉ ra một số rủi ro phía trước, bao gồm vấn đề ở Ukraine có thể dẫn đến việc chấm dứt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt từ Nga cho châu Âu; giá cả tăng cao có thể gây mất an ninh lương thực trên diện rộng và bất ổn xã hội; và sự phân mảnh địa chính trị có thể cản trở thương mại và hợp tác toàn cầu.

Ngoài ra, các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn có thể làm tăng thêm những khó khăn về nợ nần ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Đồng thời, các đợt bùng phát COVID-19 mới và các đợt đóng cửa có nguy cơ kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc.

“Trong một kịch bản thay thế hợp lý khi một số rủi ro này xảy ra… lạm phát sẽ tăng và tăng trưởng toàn cầu giảm tốc hơn nữa xuống khoảng 2,6% trong năm nay và 2% vào năm sau – mức tăng trưởng chỉ mới diễn ra 5 lần kể từ năm 1970,” IMF cảnh báo. Theo kịch bản này, cả Hoa Kỳ và khu vực đồng Euro đều đối mặt với mức tăng trưởng gần bằng 0 trong năm tới, kéo theo những tác động tiêu cực đối với phần còn lại của thế giới.

IMF cho biết lạm phát toàn cầu đã được điều chỉnh tăng và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian dài phía trước.

Theo các nhà kinh tế học, mức lạm phát hiện tại thể hiện một rủi ro rõ ràng đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Chính sách ưu tiên

Mặc dù thừa nhận chính sách tiền tệ thắt chặt hơn sẽ gây ra các tổn thất kinh tế, IMF vẫn khẳng định rằng việc trì hoãn hành động sẽ chỉ làm các khó khăn thêm trầm trọng.

Để ứng phó với tác động của giá năng lượng và lương thực tăng cao, quan chức IMF cho rằng các chính sách nội địa nên tập trung vào những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất.

“Các chính phủ nên hạn chế tích trữ lương thực và năng lượng, thay vào đó tìm cách gỡ bỏ các rào cản đối với thương mại, chẳng hạn như lệnh cấm xuất khẩu lương thực, vốn khiến giá thế giới tăng cao hơn”, IMF khuyến cáo.

Trong khi đó, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tiếp tục đòi hỏi phải nhanh chóng có các hành động đa phương để hạn chế phát thải và tăng cường đầu tư để thúc đẩy “quá trình chuyển đổi xanh”.

Chuyên gia của IMF khẳng định, từ ứng phó với biến đổi khí hậu và chuẩn bị cho đại dịch đến an ninh lương thực và nợ nần, hợp tác đa phương là chìa khóa quan trọng.

“Giữa những thách thức và xung đột nghiêm trọng, tăng cường hợp tác vẫn là cách tốt nhất để cải thiện triển vọng kinh tế và giảm thiểu nguy cơ phân mảnh địa kinh tế,” ông Gourinchas nhấn mạnh.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ UN)