Người dân yên tâm khi chọn rau, củ, quả ở các siêu thị. Ảnh: LINH ĐAN

Còn ở Thừa Thiên Huế (TTH) thì sao?

Không biết ngành chức năng về quản lý ATTP ở TTH hoạt động quản lý ra sao nhưng những thông tin về kiểm nghiệm thực phẩm, ít nhất trong vòng 5 năm nay chưa thấy được công bố!? Cũng như nhiều tỉnh, thành khác, nguồn rau, củ, quả và thủy, hải sản ở TTH được cung cấp từ 2 nguồn: sản xuất ở trong tỉnh và nhập về từ thị trường ngoại tỉnh (kể cả hàng nhập khẩu). Việt Nam và một số nước ở châu Á được ví là thị trường “dễ tính”. Thị trường là thị trường chứ làm gì có thị trường dễ tính và khó tính? Dễ tính hay khó tính ở đây được hiểu là sự đòi hỏi về chất lượng khác nhau. Mỹ, EU và nhiều nước có trình độ phát triển cao thường là những thị trường đòi hỏi chất lượng nghiêm ngặt. Việc quản lý chất lượng của họ cũng khắt khe theo. Chính vì vậy mà lâu lâu chúng ta thấy báo chí trong nước đưa tin rằng, thanh long, nhãn hay vải thiều, xoài… đã được xuất khẩu sang Mỹ, sang EU… với một tinh thần háo hức. Tức là hàng nông sản của chúng ta đã “chinh phục” được những thị trường khó tính. Nhưng những tin tức như vậy là không nhiều.

Câu chuyện rau “hai luống” ở Việt Nam chúng ta là không thiếu. Hiểu điều này là người nông dân trồng một luống để ăn thì không dám phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hay các chất kháng sinh khác. Còn luống rau để bán thì sử dụng thuốc “thoải mái”. Mà thực tế bây giờ, nếu không áp dụng công nghệ cao, kể cả chưa phải là công nghệ cao - như trồng rau, củ, quả trong các nhà lưới để hạn chế sâu bệnh thì phần lớn các loại rau đều được trồng theo kiểu truyền thống, tức là ngoài trời. Một khi môi trường sinh thái đã bị phá vỡ, mất cân bằng, nếu như không sử dụng phân bón, thuốc BVTV thì khó mà có thu hoạch. Nếu người nông dân nào đó có ý thức đưa những sản phẩm sạch đến người tiêu dùng thì cũng chưa chắc được. Bởi một lẽ, nhiều người tìm cách xua đuổi sâu bệnh đi nơi khác, anh không có những phản ứng tương tự thì khó mà bảo vệ được ruộng rau của mình. Điều duy nhất còn hy vọng ở đây là người nông dân thực hiện đúng thời gian cách ly sau khi sử dụng thuốc. Nghĩa là, ví dụ như quy định sau 2 tuần, các độc tố của thuốc mới đào thải hết thì người nông dân mới thu hoạch để bán. Hy vọng là vậy, nhưng cũng rất mong manh. Cả hàng triệu nông dân canh tác trên hàng triệu thửa ruộng làm sao biết được ai thực hiện và ai không thực hiện? Có những thời điểm, theo thống kê của ngành chức năng, Việt Nam nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật với kim ngạch… còn cao hơn cả xăng dầu.

Người dân yên tâm khi chọn rau, củ, quả ở các siêu thị

Ở TTH, có nhiều vùng trồng rau nhưng nổi tiếng nhất vẫn là các làng rau Quảng Thành, thị trấn Sịa (Quảng Điền); Hương Chữ, Hương Vân (Hương Trà); Hương Long (TP. Huế)… Quảng Thành đã có một thời xây dựng vùng sau sạch nhưng đến nay ít nghe nói đến nữa, không biết chất lượng được kiểm soát như thế nào? Nhưng điều phổ biến chúng ta thấy là người nông dân tự làm, tự phân phối qua những thương lái, tức là cũng nhỏ lẻ nên rất khó kiểm soát về mặt chất lượng. Ở tại các quán ăn chúng ta thấy quán nào cũng được cấp giấy chứng nhận vệ sinh ATTP nhưng việc kiểm soát thì không thấy có, hoặc có cũng rất ít. Cho nên khó mà hy vọng việc kiểm soát vệ sinh ATTP tốt. Cũng có nghĩa, chất lượng không có gì được đảm bảo.

Không biết chất lượng thực phẩm có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe người dân nhưng tại một hội nghị về lão khoa diễn ra tại Hà Nội vào năm ngoái đã đưa ra một con số thống kê: Người cao tuổi của Việt Nam được xếp vào mức thọ, nhưng không… khỏe lắm. Có 12 triệu người từ 65 tuổi trở lên, tức là chiếm khoảng 12% dân số, chỉ có 4% sống khỏe mạnh, còn lại 96% có 3 bệnh mãn tính trở lên. Không biết các con số nêu trên có liên quan gì với nhau!?

Ở TP. Hồ Chí Minh mới một đợt kiểm tra đã chỉ ra những con số như vậy - gần 50% mẫu rau, quả có dư lượng hóa chất; 40% mẫu hải sản có chứa kim loại nặng… TTH nên làm một cuộc kiểm nghiệm gắt gao như vậy để tìm cách kiểm soát tốt chất lượng thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người dân của mình.

Bài: NGUYỄN AN - Ảnh: LINH ĐAN