Từ âm nhạc truyền thống…

Trong các loại hình nghệ thuật truyền thống Huế, như: thơ, ca, hò, vè, tuồng, nhã nhạc cung đình... đang được phát triển mạnh mẽ, thì ca Huế vẫn được xem là bộ môn nghệ thuật có một sức sống mãnh liệt, được phổ cập đến nhiều tầng lớp trong xã hội nhất, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi mà nhu cầu thưởng thức loại hình âm nhạc dân tộc truyền thống đang trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hoá Huế.
Việc tổ chức biểu diễn ca Huế không còn gói gọn trên sông Hương như lâu nay mà được mở rộng ra nhiều địa điểm khác nhau, như ở tại các nhà hàng, khách sạn… nhằm đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ đông đảo của người dân. Bên cạnh đó, chỉ vì đam mê và yêu thích bộ môn nghệ thuật này, không ít người tự đứng ra thành lập các câu lạc bộ ca Huế với mục đích để phục vụ lại chính mình. Đây là việc làm vừa thể hiện sự yêu thích, trân trọng bộ môn âm nhạc truyền thống, vừa góp phần không nhỏ trong công tác bảo tồn, gìn giữ và đưa ca Huế lên hàng văn thể có giá trị nghệ thuật cao.

Phòng trà ở Huế
Theo báo cáo của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, hiện nay, toàn tỉnh có 395 diễn viên, nhạc công ca Huế. Mỗi năm, các câu lạc bộ ca Huế trên địa bàn hoạt động rất có hiệu quả, thu hút đông đảo người dân địa phương, du khách trong và ngoài nước đến thưởng thức. Năm 2010, các câu lạc bộ ca Huế đã phục vụ trên 8.000 suất diễn, thu hút hơn 120.000 lượt khách thưởng thức. Ngoài ra, còn tổ chức biểu diễn hơn 50 suất để phục vụ nhiệm vụ chính trị và công tác đối ngoại của tỉnh.
Nhà thơ Võ Quê, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho biết: “Ca Huế là một loại hình nghệ thuật thể hiện nhiều sắc thái, phong cách thể hiện khác nhau của nghệ thuật âm nhạc từ nhiều vùng đất, từ nhiều xứ sở... nên rất được mọi người yêu thích. Có thể khẳng định rằng, không một du khách nào đến Huế mà không một lần thưởng thức ca Huế”.
…Đến âm nhạc hiện đại
Cùng với sự phát triển các loại hình âm nhạc truyền thống Huế, âm nhạc hiện đại ngày càng xuất hiện nhiều, đáp ứng cho một đại bộ phận không nhỏ người yêu nhạc, nhất là trung niên và giới trẻ hiện nay.

Ca Huế trên sông Hương
Dạo quanh một vòng ở hầu hết các phòng trà, quán bar, cà phê nhạc sống,... như: Mục Đồng, Piano, T&B, Hawai, Xanh, Hoa Trà, Celadon, BigC... không khí tổ chức biểu diễn âm nhạc rất sôi động khi mà lượng khách đến nghe nhạc luôn đông. Điều đặc biệt, dù tất cả các tụ điểm này đều chơi nhạc hiện đại nhưng mỗi điểm chọn cho mình lối đi riêng. Có điểm thì chuyên biểu diễn nhạc tiền chiến, Trịnh Công Sơn có nơi thì chuyên về thể loại flamenco, pop, dance, rock...
Không đứng ngoài cuộc chơi chung này, nhiều đơn vị biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp (thay vì chỉ luyện tập để biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, biểu diễn phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa của tỉnh) cũng đã nhanh chóng nhập cuộc bằng nhiều chương trình âm nhạc hoành tráng, có dàn dựng công phu... như Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế, các CLB âm nhạc (Trung tâm Văn hoá Thông tin tỉnh, Nhà văn hoá Huế, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh)... để tổ chức biểu diễn nghệ thuật có doanh thu, nhận các show biểu diễn nghệ thuật cho các sở, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh khi có nhu cầu. Các chương trình ca nhạc này đều được đánh giá rất cao.
Một sinh hoạt âm nhạc khác cũng không kém phần sôi động, đang thu hút một lực lượng tham gia rất đông đảo hiện nay, đó chính là, hệ thống dịch vụ karaoke. Ngoài ra, còn có các chương trình ca nhạc tạp kỹ của các tổ chức, đơn vị biểu diễn ca nhạc chuyên nghiệp trong nước và quốc tế đến đăng ký biểu diễn tại tỉnh, cũng như các chương trình ca nhạc được phát trên sóng truyền hình, tất cả đã tạo nên những món ăn tinh thần đáng trân trọng cho người dân.
Hoàng Trọng Bửu