Thanh toán bằng mã QR tại Indonesia. Ảnh minh họa: Jakartaglobe.id/TTXVN

Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay, lĩnh vực dịch vụ hiện chiếm 59% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực, cao hơn gấp đôi so với 25% từ lĩnh vực sản xuất. Sự kết hợp của những cơ hội mới được mở ra nhờ sự phổ biến của công nghệ, cũng như thu nhập khả dụng gia tăng nhờ sự tăng trưởng của hoạt động sản xuất chuỗi cung ứng toàn cầu trong khu vực, đang cho phép các doanh nghiệp mới đạt được quy mô và phạm vi tiếp cận chưa từng có.

Tập trung vào công nghệ

Theo một nghiên cứu chung được HSBC và nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp KMPG thực hiện trên hơn 6.400 công ty khởi nghiệp châu Á, tập trung vào công nghệ với mức định giá dưới 500 triệu USD, những công ty thành công có xu hướng tập trung xung quanh một số ngành công nghiệp chủ chốt. Nhiều công ty trong số này kết hợp lợi nhuận tiềm năng với giá trị xã hội, bao gồm công nghệ tài chính, môi trường và sức khỏe.

Hệ sinh thái công nghệ tài chính (fintech) hàng đầu thế giới của châu Á đang phát triển mạnh. Gần như cứ 10 công ty được khảo sát thì có 1 công ty đã tham gia vào lĩnh vực tài chính phi tập trung. Khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính dễ dàng hơn, với chi phí rẻ hơn đã và đang thu hút hàng trăm triệu người tham gia vào nền kinh tế chính thức.

Một báo cáo gần đây của WB ước tính, 71% người trưởng thành ở các nền kinh tế đang phát triển hiện đang sở hữu tài khoản tại ngân hàng hoặc nhà cung cấp tiền di động, tăng từ mức 63% vào năm 2017 và 42% trong năm 2011. Các giải pháp fintech mới đang làm giảm chi phí của các dịch vụ tài chính, cho phép những người ở cuối bậc thang thu nhập có thể xây dựng nguồn vốn thông qua các khoản tiết kiệm vi mô, và sau đó thực hiện việc quản lý hoặc chi tiêu.

Tại Trung Quốc, các ứng dụng thanh toán vốn đã trở thành phương thức chính được khoảng 90% cư dân thành thị sử dụng để thanh toán các giao dịch hàng ngày. Tại Indonesia, 90% người dùng Internet đã sử dụng dịch vụ thanh toán kỹ thuật số để mua sắm hàng hóa hoặc dịch vụ trực tuyến.

Bên cạnh đó, còn có sự quan tâm đáng kể đến những cơ hội về môi trường, bao gồm mạng lưới sạc xe điện, bao bì, thời trang bền vững và sức khỏe, chẳng hạn như các công nghệ hỗ trợ, nhận dạng thuốc dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thần kinh và công nghệ sức khỏe tâm thần.

Ở một khía cạnh nào đó, các công ty khởi nghiệp kinh tế mới ở châu Á đang thiết lập những mô hình hành vi khác so với đối tác trước đó của họ. Dường như có sự tập trung nhiều hơn vào việc đạt được quy mô và sự mở rộng xuyên biên giới, bằng cách tạo ra các liên minh hợp tác, hơn là thông qua việc sáp nhập và mua lại. Điều này đã tạo ra một không gian kinh tế mới năng động và đa dạng hơn, nhất là ở các thị trường châu Á đang phát triển.

Một ví dụ điển hình là Công ty công nghệ tài chính Xendit (Indonesia), đơn vị chịu trách nhiệm xử lý khoảng 15 tỷ USD giá trị các thanh toán giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Á. Công ty này đã ra mắt dịch vụ tại thị trường Indonesia hồi năm 2015, và sau đó chuyển sang Philippines 5 năm sau đó, đây là kết quả của một cuộc tìm kiếm rộng rãi nhằm tìm ra đối tác thích hợp.

Trong khi đó, nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử aCommerce (Thái Lan) đã hợp tác với Công ty thương mại điện tử đa quốc gia Shopify (Canada) để mở rộng dịch vụ tại Đông Nam Á. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 thúc đẩy hoạt động mua sắm trực tuyến gia tăng, doanh thu hàng năm của đơn vị này đã tăng gần 40%.

Ngoài ra, các nhà sáng lập khởi nghiệp cũng đang đẩy mạnh vào những lĩnh vực mới, như vật phẩm kỹ thuật số (NFT), và tìm kiếm thành công trong các lĩnh vực bao gồm du lịch được hỗ trợ bởi AI, các cửa hàng tiện lợi không có nhân viên, và vô số những sản phẩm fintech khác nhau.

“Hộp cát” toàn cầu

Châu Á - Thái Bình Dương đang ngày càng trở thành một “hộp cát” toàn cầu dành cho các thử nghiệm sáng tạo của nền kinh tế mới. Điều này đang được thúc đẩy bởi sự xuất hiện ngày càng lớn các lựa chọn tài trợ địa phương; cơ sở người tiêu dùng trẻ sẵn sàng thử nghiệm ứng dụng mới; cùng những cơ hội mới không bị cản trở bởi sự trung thành với thương hiệu, vốn rất quan trọng đối với một số hệ sinh thái lớn hơn tại các thị trường phát triển hơn.

Các quan hệ đối tác và mô hình kinh doanh bản địa hóa đang diễn ra trên khắp khu vực. Hợp tác là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Các công ty khởi nghiệp có thể tiếp cận thị trường và khách hàng, trong khi các tập đoàn sẽ có được những giải pháp công nghệ bản địa hóa mang tính đổi mới sáng tạo, nhằm cải thiện hoạt động kinh doanh hoặc tiếp cận thị trường mới.

“Trong 2 năm khó khăn qua, các nền kinh tế đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, chúng ta đang chứng kiến ​​một số doanh nghiệp kinh tế mới lớn mạnh ngay giữa thời kỳ hỗn loạn. Những “gã khổng lồ” mới nổi này đang phát triển, và một số sẽ bùng nổ trở thành những “kỳ lân” tiếp theo của châu Á - Thái Bình Dương”, ông Surendra Rosha kết luận.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Nikkei Asia)