23/7, Lễ hội “Hương xưa làng cổ” chính thức khai hội. Bên dòng Ô Lâu hiền hòa, du khách được ngược về ký ức, nơi có phiên chợ quê với nón lá, cầu tre, bến nước... Bên cạnh đó là các hoạt động tham quan làng nghề, trải nghiệm đời sống thường nhật của người dân địa phương và cùng tham gia các hội thi hấp dẫn. Làng cổ Phước Tích là điểm dừng chân thú vị. Và, gần như cùng lúc, đến hẹn lại lên, ngày hội Hiphop Huế chính thức quay trở lại, tiếp tục sứ mệnh hội tụ và lan tỏa bức tranh underground đến tất cả mọi người. Đan xen là hoạt động giao lưu khách mời Workshop/DanceCamp; trưng bày, mua bán sản phẩm liên quan đến chương trình; vẽ Graffity, Skateboard, biểu diễn của các nhóm nhảy khách mời.

Đặt cạnh bên nhau, “Hương xưa làng cổ” là nét đẹp truyền thống, còn Hiphop là hơi thở hiện đại. Hương xưa ký ức và đong đầy hoài niệm, là nét văn hóa truyền thống cần gìn giữ và phát huy. Hiphop lại đầy mới lạ và khám phá. Ra đời từ những năm 70 của thế kỷ trước tại Mỹ, mãi đến 20 năm sau Hiphop mới ngập ngừng du nhập vào Việt Nam và rồi tới Huế. Có vẻ như một thời, người Huế lo sợ những loại hình văn hóa “shock - nhiệt” nhập nội với những cá tính và màu sắc âm nhạc độc lạ như Hiphop!

Bao người xuôi ngược đến với lễ hội “Hương xưa làng cổ” hay “Chợ quê ngày hội” là để tìm lại dấu xưa đã khắc in trong ký ức hay như một cách kể chuyện với những bậc hậu sinh về một thời họ đã sống. Còn từng xem những sân khấu ca nhạc ở các công viên đôi bờ sông Hương với không khí sôi động, đông nghịt khán giả trong Tuần lễ Festival Huế 2022, mới thấy có sự đổi thay. Lâu nay, lối sống yên lặng và thiếu những sân chơi vui nhộn là điều băn khoăn dành cho Huế. Ngày hội Hiphop được mở ra, giúp Huế đắm chìm, lôi cuốn trong sự biến hóa không ngừng của âm thanh sôi động, ánh sáng rực rỡ và vũ điệu uyển chuyển tạo nên một nét văn hóa mới ở Cố đô.

Chợt như hiểu hơn, mặc định về văn hóa Huế giờ đây không chỉ có ca Huế, nhạc Cung đình hay những lễ hội văn hóa xưa. Người Huế đã chấp nhận và hơn thế đã và đang có những “đại sứ” xứng tầm cho những loại hình văn hóa vốn còn nhiều mới mẻ này. Tôi muốn nhắc đến 2 niềm tự hào của Hiphop Huế mang tên Nguyễn Chí Hiếu và Nguyễn Mạnh Quyền. Từ đam mê rồi trở thành giám đốc một công ty truyền thông và sự kiện thực hiện lễ hội, Hiếu là nhân tố góp phần xây dựng nền tảng phát triển cho văn hóa Hiphop tại Huế. Còn với những thành công vang dội ở nhiều sân chơi trong nước, Quyền (Bboy Quyền) là sứ giả trong sứ mệnh đưa Hiphop Huế vang xa.

Khởi đầu lễ hội Mùa Thu là Ngày hội Hiphop và Lễ hội “Hương xưa làng cổ” hé lộ câu chuyện về khả năng kết tụ và lan tỏa các loại hình nghệ thuật văn hóa từ truyền thống đến mới du nhập để hình thành Festival Huế, bắt đầu từ nay là 4 mùa trong năm, mang nét đặc trưng khó tìm, hướng đến góp phần khẳng định danh hiệu thành phố Festival, từng bước xây dựng Huế trở thành kinh đô lễ hội, tận dụng thương hiệu văn hóa thành một thương hiệu du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ.

ĐAN DUY