Nhiều mô hình như tích cóp ve chai gây quỹ, đổi rác lấy quà đã được các địa phương triển khai nhằm thực hiện chương trình phân loại CTRSH tại nguồn
Phân loại rác tại nguồn
Địa bàn TP. Huế có một hệ thống sông tự nhiên và nhân tạo dày đặc cùng đổ vào đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Đây là hệ đầm phá nước lợ lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, có giá trị cao về môi trường sinh thái và đa dạng sinh học. Hiện các khu vực này đã và đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các hoạt động xả thải trực tiếp nhiều loại rác thải trên sông Hương và các hoạt động xả thải của các khu vực dân cư sinh sống dọc theo hệ thống các sông chảy qua địa bàn thành phố.
Theo đánh giá của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF), mặc dù tỷ lệ thu gom rác thải ở thành phố rất cao, đạt khoảng 98% cùng với những nỗ lực của chính quyền địa phương, các nhóm tình nguyện, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế, song ô nhiễm rác thải nhựa vẫn đang là vấn đề môi trường nghiêm trọng… Việc thất thoát rác thải nhựa làm tắc nghẽn các dòng sông và đe dọa các hệ sinh thái và môi trường biển, ven biển, tác động đến hoạt động du lịch, vận tải biển và nuôi trồng thủy sản.
Nhiều năm qua, TP. Huế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời huy động sự chung tay hưởng ứng của các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình để triển khai chương trình phân loại CTRSH tại nguồn. Trong đó, thực hiện đề án Ngày Chủ nhật xanh, Chủ nhật vì cộng đồng và công tác bảo vệ môi trường, giảm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, ông Trần Song, chương trình phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn thành phố chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn I triển khai thực hiện đối với 23 phường thuộc thành phố trước khi sáp nhập; giai đoạn II đối với 36 phường, xã thuộc thành phố. Để triển khai chương trình, thành phố đã tổ chức các khóa tập huấn, hướng dẫn cho lãnh đạo các ban ngành, địa phương, tổ trưởng tổ dân phố, người dân về cách thức phân loại CTRSH tại nguồn nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, giúp các tổ chức, cá nhân từng bước hình thành thói quen phân loại rác thải tại nguồn. Đồng thời, hướng dẫn tổ chức, cá nhân cách thức phân loại, lưu giữ và giao chất thải thu gom đúng quy định; mỗi tổ chức, cá nhân đều có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc phân loại rác thải sinh hoạt khi có phát sinh.
Huế - đô thị giảm nhựa
Với sự tương đồng về mục đích, giúp Huế ngày càng xanh hơn, sạch hơn, dự án (DA) “Huế - Đô thị giảm nhựa miền Trung Việt Nam” do WWF viện trợ đã được phê duyệt vào đầu năm 2022, đây là tiền đề để thành phố triển khai hiệu quả chương trình phân loại CTRSH tại nguồn. Hiện, DA đã hoàn thành giai đoạn 1, TP. Huế đang tích cực phối hợp cùng WWFđể hoàn tất việc điều chỉnh, bổ sung văn kiện gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt để làm cơ sở triển khai DA giai đoạn 2.
Khởi động chương trình và thực hiện mục tiêu giúp Huế ngày càng sạch hơn, DA đã hỗ trợ cho thành phố 468 thùng lưu chứa rác để triển khai, thực hiện chương trình phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn, sau đó thành phố phân bổ về cho các địa phương, đồng thời tổ chức các khóa tập huấn, hướng dẫn cách phân loại CTRSH tại nguồn cho các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn.
Ông Trần Song cho rằng, để giảm thiểu lượng rác tại các cơ quan, đơn vị và các khu dân cư, thời gian qua, TP. Huế đã tiên phong, chủ động xây dựng và thực hiện đề án “Ngày Chủ nhật xanh”, “Chủ nhật vì cộng đồng” và các hoạt động hưởng ứng phong trào nói không với túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần nhằm giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường… Các đơn vị trên địa bàn đã tổ chức ký cam kết tham gia thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần”; các trường học xây dựng mô hình thu gom túi ni lông, pin qua sử dụng, thu gom giấy in, giấy báo loại làm túi đựng thay thế túi ni lông sử dụng một lần cung cấp cho các quầy thuốc, nhà thuốc, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ...
Dù đã có nhiều nỗ lực, song công tác thu gom rác thải nhựa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do nhiều hộ dân chưa nhận thức và quan tâm đến phong trào chống rác thải nhựa nên thành phố vẫn đang đối mặt với thách thức về môi trường, nhất là vấn đề quản lý chất thải rắn. Do đó, DA “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” được xây dựng với sự tài trợ của WWF-Na Uy thông qua WWF-Việt Nam và tiếp nhận bởi UBND TP. Huế sẽ hỗ trợ thành phố bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa, thông qua các biện pháp can thiệp với sự tham gia của các bên liên quan bao gồm các khối công tư, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng địa phương.
TP. Huế cam kết đến năm 2024, Huế trở thành đô thị giảm nhựa với 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý; đồng thời rác tái chế từ bãi chôn lấp được đẩy mạnh thu hồi.
Bài, ảnh: Thanh Hương