Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thông tin tình hình kinh tế - xã hội đến đoàn công tác
Kinh tế đối ngoại khởi sắc
Thông tin tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, 7 tháng đầu năm, tỉnh tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm duy trì và tăng cường, mở rộng quan hệ quốc tế và hợp tác hữu nghị với các đối tác theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế; khai thác hiệu quả các mối quan hệ đối tác, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, lao động… với các địa phương nước ngoài; tích cực đẩy mạnh các hoạt động hội nhập quốc tế, ngoại giao văn hóa và ngoại giao kinh tế trên địa bàn tỉnh thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Theo đó, đến nay kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 609,1 triệu USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ và đạt 54% kế hoạch năm. Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 404,3 triệu USD, tăng 16,6% so cùng kỳ và đạt 62,2% kế hoạch năm. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 1 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 25 triệu; có 12 dự án ODA triển khai trên địa bàn, trong đó có 7 dự án đầu tư và 5 dự án hỗ trợ kỹ thuật.
“Chúng tôi tiếp tục giữ mối liên lạc trao đổi với các nước trong các lĩnh vực văn hóa di sản, du lịch; tăng cường hợp tác với các tỉnh Gifu, Niigata, Nara, Kyoto, Shiga (Nhật Bản), chính quyền Thủ đô Băng cốc (Thái Lan) thông qua hoạt động giao lưu thư viện và hợp tác quảng bá song phương về văn hóa, du lịch trên các phương tiện truyền thông. Tham gia Hội nghị trực tuyến giữa kỳ về hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp do Bộ Ngoại giao Việt Nam và Hiệp hội các địa phương Pháp tổ chức; chuẩn bị kế hoạch tham dự Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ XII dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 12 năm 2022 tại Hà Nội”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thông tin.
Việc ổn định tình hình biên giới những năm qua cũng luôn được tỉnh quan tâm. Tỉnh thường xuyên chỉ đạo các ngành, nòng cốt là lực lượng biên phòng, phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự ở khu vực biên giới biển và xử lý, giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra. Hoạt động xuất nhập cảnh người và hàng hoá qua cảng biển được duy trì, bảo đảm tuân thủ các quy định hiện hành về phòng dịch.
“Để góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu kinh tế - xã hội, chúng tôi sẽ tăng cường tiếp xúc, quảng bá hình ảnh, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh với các cơ quan đại diện nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và các nhà đầu tư nước ngoài. Tập trung thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, công nghiệp của tỉnh và các dự án trọng điểm; các dự án chế biến sâu từ nguyên liệu cát, gỗ, nông, thuỷ sản, sản xuất sợi, cơ khí và các dự án công nghệ cao, sản xuất nguyên phụ liệu ngành công nghiệp dệt may; dự án nông nghiệp công nghệ cao”, ông Nguyễn Văn Phương cho biết.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương (bên trái) tặng quà lưu niệm cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn
Người dân là trung tâm phục vụ
Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, song buổi làm việc cũng ghi nhận nhiều ý kiến xoay quanh các khó khăn nội tại. Hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng ở khu vực biên giới chưa hoàn thiện, hạ tầng giao thông biên giới của bạn đến các cửa khẩu với Thừa Thiên Huế còn kém, chưa thông thương là lý do khiến hoạt động thương mại ở khu vực biên giới còn hạn chế, kim ngạch trao đổi thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa còn thấp. Ngoài ra, công tác vận động, tiếp nhận và quản lý các dự án có vốn nước ngoài còn tồn tại một số khó khăn. Định hướng vận động nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh đã được ban hành, tuy nhiên tính chủ động của nhiều địa phương, đơn vị chưa cao, đặc biệt trong khâu vận động dự án. Hiện, vẫn chưa có chế tài đối với các trường hợp vi phạm quy định về quản lý và sử dụng nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài, đặc biệt trong thực hiện thủ tục phê duyệt tiếp nhận và báo cáo tình hình hoạt động.
Để định hướng, hỗ trợ địa phương trong việc xây dựng các chiến lược, tỉnh mong muốn Bộ Ngoại giao hỗ trợ cập nhật kịp thời về chính sách đối ngoại và quan hệ với các nước, các lĩnh vực ưu tiên trọng điểm trong quan hệ với một số nước (Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc…) cùng kết quả các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Việt Nam ra nước ngoài và lãnh đạo nước ngoài đến Việt Nam. Đặc biệt, quan tâm vận động UNESCO và các tổ chức quốc tế trong công tác bảo tồn và phát huy các di sản quần thể di tích cố Đô Huế…
Các thành viên trong Đoàn công tác Bộ Ngoại giao đã trực tiếp giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của tỉnh, đồng thời đánh giá cao bước phát triển đột phá về kinh tế xã hội cũng như công tác phòng chống dịch COVID-19 và công tác ngoại giao.
Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, tỉnh xác định lấy trọng tâm là ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo hài hoà các mặt an ninh đối ngoại, quốc phòng, chủ quyền biên giới, lãnh thổ... là hướng đi đúng, song cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác ngoại giao. “Thừa Thiên Huế phải xác định ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp và địa phương làm trung tâm phục vụ; xây dựng ngành Ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại. Chúng tôi luôn đồng hành cùng tỉnh tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, hỗ trợ tỉnh trong các mặt công tác, góp phần cùng tỉnh thực hiện thành công những mục tiêu, kế hoạch đề ra, sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Lê Thọ