Giới thiệu cơ hội đầu tư tại Thừa Thiên Huế

Thu hút đầu tư trực tiếp trở lại

Năm 2022 đánh dấu một năm quan trọng trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư (XTĐT) khi Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung đang trong giai đoạn thích nghi với trạng thái bình thường mới. Cùng với đó, nhiều nhà đầu tư (NĐT) đã đến tìm hiểu, tiếp cận và nghiên cứu cơ hội đầu tư vào Thừa Thiên Huế.

Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), chỉ trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã cấp phép cho 12 dự án (DA), với tổng vốn đầu tư cấp mới hơn 1.822 tỷ đồng. Trong đó có 1 dự án FDI của Công ty SCAVI về đầu tư nhà máy sản xuất trang phục lót và hàng thể thao với tổng vốn đăng ký 25 triệu USD (tương đương 575 tỷ đồng). Riêng địa bàn Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đã cấp phép 7 DA, với tổng vốn đầu tư 1.634 tỷ đồng. Đồng thời, cấp quyết định chủ trương và đang lựa chọn NĐT cho 16 DA, với tổng vốn kêu gọi đầu tư trên 8.990 tỷ đồng.

Công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư được tập trung đẩy mạnh, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tổ chức làm việc với các tập đoàn lớn như: Sovico, Sunshine, Hòa Phát, Tân Á Đại Thành, KMH (Hàn Quốc); AGR, SermSang (Thái Lan); Itochu, Yoshida Kaiun (Nhật Bản), Western Pacific... Các hoạt động XTĐT trực tiếp cũng đã được tổ chức trở lại với việc tổ chức thành công hội nghị “Gặp gỡ Thừa Thiên Huế xanh: xác định tương lai tăng trưởng kinh tế xanh” thu hút hơn 180 doanh nghiệp (DN) quốc tế tham gia, với các lĩnh vực được kêu gọi đầu tư có tiềm năng như: du lịch, nông nghiệp - môi trường và điện & năng lượng. Thừa Thiên Huế cũng tham gia XTĐT với các tập đoàn lớn tại Hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc - Khu vực miền Trung và Tây Nguyên”. Từ đây, các hoạt động ký kết hợp tác cũng được thực hiện mở ra nhiều cơ hội mới trong thu hút đầu tư. Việc ký kết thành công biên bản thảo luận với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam về thực hiện DA “Làng hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc” là một ví dụ.

 Các hoạt động xúc tiến đầu tư được tổ chức trực tiếp trở lại

Tập trung nâng cao cạnh tranh

Theo ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng và cạnh tranh như hiện nay, Thừa Thiên Huế chủ động nắm bắt xu thế để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhằm tiếp tục tạo môi trường hấp dẫn, thu hút nhiều NĐT đến đầu tư tại địa bàn. Theo kết quả đánh giá các chỉ số thì năm 2021, Thừa Thiên Huế vinh dự là một trong 10 tỉnh, thành phố có điểm Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI hàng đầu Việt Nam và là tỉnh đứng đầu toàn quốc về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI.

Thông qua các hoạt động đồng hành cùng DN như thành lập 4 tổ công tác liên ngành; tiến tới sẽ giao trách nhiệm cho các chuyên viên (từ các cơ quan chuyên môn của tỉnh) phụ trách từng nhóm dự án (1 chuyên viên phụ trách từ 5-7 DA) có nhiệm vụ hỗ trợ tích cực NĐT trong việc hoàn thành các thủ tục có liên quan sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các NĐT; đưa Thừa Thiên Huế trở thành “mảnh đất lành” thu hút các NĐT trong nước và ngoài nước, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác kêu gọi đầu tư được tập trung đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và đối tượng cụ thể phù hợp với tiềm năng, thế mạnh, quy hoạch phát triển địa phương. Để tăng tính sẵn sàng trong công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư, Thừa Thiên Huế đã thống nhất danh mục DA và đang giao các sở chuyên ngành lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư để công bố danh mục thu hút đầu tư 2021-2025 của tỉnh. Riêng với địa bàn Khu kinh tế, công nghiệp, tỉnh đã ban hành danh mục DA kêu gọi đầu tư năm 2022 tại địa bàn này.

Theo ông Sơn, các DA xúc tiến, kêu gọi đầu tư cụ thể được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với các tiêu chí cụ thể trên cơ sở rà soát, khảo sát hiện trạng, xác định diện tích, quy mô, quy hoạch và các vấn đề liên quan. Điều này đảm bảo các DA công bố sẽ phù hợp với định hướng phát triển, phát huy năng lực cạnh tranh của tỉnh và đảm bảo các nền tảng cơ bản để lựa chọn được NĐT đủ năng lực, loại ngay từ đầu những NĐT hạn chế về uy tín, năng lực.

Cùng với đó, các chiến lược truyền thông, marketing tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư của địa phương ngày càng đa dạng hóa như tăng tần suất xuất hiện của các chủ đề liên quan XTĐT trên các báo, tạp chí trong và ngoài nước. Giới thiệu các cơ hội đầu tư đến các NĐT lớn thông qua tổ chức các hội nghị, hội thảo hoặc trực tiếp đến hội sở của các DN, tập đoàn lớn tại các địa phương. Đồng thời, hướng đến xây dựng hệ thống đối tác kết nối XTĐT thông qua các đối tác của NĐT, các DN kinh doanh hạ tầng, XTĐT thông qua các đại diện XTĐT của tỉnh tại một số thị trường trọng điểm như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản.

“Để tạo thuận lợi cho các NĐT tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh, cơ quan chuyên môn cũng thường xuyên cập nhật các nội dung mới nhất về đầu tư, pháp lý làm công cụ để NĐT có thể nghiên cứu, tìm hiểu trên các trang web, facebook… và bổ sung, cập nhật bộ tài liệu XTĐT thành 5 ngôn ngữ tiếng Việt, Anh, Nhật, Hàn, Trung, in đĩa DVD giới thiệu quy hoạch chung của tỉnh. Thực hiện việc công khai các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, danh mục lĩnh vực thu hút đầu tư, các DA ưu tiên đầu tư…”, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT thông tin.

Bài, ảnh: HOÀNG ANH