Vậy là cuối cùng, mẹ tôi cũng quyết định nhập viện để chữa bệnh xương, khớp. Căn bệnh không làm chết người, nhưng gây đau nhức, khổ sở cho người bệnh, đặc biệt là đối với người già.

Nhà có 3 đứa con thì tôi và anh trai cả ở tỉnh khác; cô em út ở gần cạnh ba mẹ, nhưng cũng lo công việc, gia đình riêng, chỉ có thể  chạy qua chạy lại “chớp nhoáng”. Ba tôi 85 tuổi, nhiều bệnh tật, sức khỏe rất yếu, phải thường xuyên ăn các món ăn nấu nhừ; nhớ nhớ quên quên nên từng bữa thuốc phải có người làm “báo thức”. Dù đã 81 tuổi, lưng ngày càng còng xuống, đi từng bước khó khăn, nhưng mẹ tôi vẫn là người lụm cụm nấu nướng, chăm sóc cho ba từng bữa ăn, bữa thuốc hằng ngày. Mà chỉ có mẹ nấu mới đúng khẩu vị, để ba tôi có thể ăn được; nếu nhập viện điều trị, mẹ không yên tâm. Vậy nên, “cái hẹn” chữa bệnh cứ lùi lại mãi.

Xin nghỉ phép, tôi về quê “trông” ba; cô em gái lo những chuyện liên quan đến việc điều trị bệnh của mẹ. Hôm đó trước khi nghỉ phép, công việc chưa giải quyết xong nên tôi bỏ lỡ các chuyến tàu xuất phát lúc ban ngày, nên phải đi chuyến tàu lúc 3h30 phút sáng. Về đến nhà cũng đã gần 7h30, là lúc em gái đã đưa mẹ đến viện. Ba lãng tai nặng, bình thường không có “phản ứng” gì đối với những âm thanh bên ngoài cánh cửa. Nhưng hôm đó, chỉ mới nghe tiếng chú cún “đón khách”, ba đã gọi tên tôi, hỏi “có phải con đó không” bằng giọng vui mừng. Có nghĩa, ba mẹ luôn chờ đợi, mong ngóng con cái biết nhường nào.

Ba tôi: “Ba tưởng tối qua là con về đến nhà, nên đã mắc sẵn mùng rồi đó”. Ngày xưa ba thường móc mùng. Các con đã ngủ say, ba lại cẩn thận nhém từng góc mùng để muỗi không có cơ hội nào lọt vào được. Có lớn khôn chừng nào đi nữa thì đối với ba mẹ, con cái vẫn là thơ bé. Bao nhiêu mệt nhọc cơm áo gạo tiền “lùi lại”, trước yêu thương vô bờ bến của ba mẹ.

Tôi nhớ ngày xưa thiếu thốn đủ thứ. Triền miên những bữa cơm độn sắn, bo bo, với rau mắm đạm bạc. Vậy nên các bữa kỵ giỗ, đặc biệt là ba ngày tết, là dịp mà những đứa trẻ mong đợi nhất, vì sẽ được ăn những món ngon. Nhưng sau khi hạ mâm cỗ xuống, trước sự háo hức chỉ muốn được ăn ngay của các con, ba mẹ tôi lấy bát đĩa sạch, cẩn thận san một phần các món ngon, mang biếu mẹ con bác hàng xóm nghèo nhất trong thôn. Đó là người phụ nữ lớn tuổi, kiếm món tiền ít ỏi bằng thúng bánh lọc, đi bộ bán từ làng trên đến xóm dưới, nuôi đứa con nuôi tật nguyền. Nghe đâu hồi trước đứa trẻ bị bỏ rơi, chẳng ai chịu nhận, dù nghèo khổ, nhưng tội nghiệp quá, nên bà mang về cưu mang.

Thương hoàn cảnh mẹ con người hàng xóm, quý một tấm lòng, nên có món gì ngon, ba mẹ tôi không quên chia sẻ. Phần thức ăn ngon còn lại, để các con ăn thỏa thích, ba mẹ chỉ gắp qua vài miếng. Ba mẹ tôi còn chia sẻ với nhiều người khác trong thôn, lúc chai nước mắm tự tay mẹ làm, lúc một vài lon gạo quý giá, khi gia đình họ có người đau ốm. Trước ánh mắt tiếc nuối của các con, bao giờ ba mẹ cũng bảo, nhà mình là diện cán bộ, có sổ gạo, ít nhiều cũng còn có gạo. Nhà mấy bác, mấy dì ấy lao động chân tay, vất vả hơn nhiều. Sau này, càng nhiều tuổi, tôi càng hay nhớ lại, suy ngẫm về điều này, để vỡ lẽ về những yêu thương, nhường nhịn.

Khi mẹ từ bệnh viện trở về, điều đầu tiên ba nhắc tôi: “Con hỏi thăm xem mẹ chữa bệnh thế nào rồi. Mẹ đỡ đau chưa”. Trong câu chuyện “ríu rít”, ba nói với mẹ: “Mấy trái bưởi trong vườn ăn được rồi. Để anh hái, bảo mấy đứa mang cho hàng xóm bớt”. Mẹ: “Mình lựa quả mô đẹp nhất mà cho…”.

Ba mẹ đều đã ở tuổi “gần đất xa trời”, lắm khi cũng chướng tính hoặc nhớ nhớ quên quên. Nhưng những tình cảm quan tâm, yêu thương, chia sẻ…, mãi vẫn đầy; cho tôi một nơi chốn bình yên.

QUỲNH ANH