Mỗi người ai cũng có sở thích riêng. Người thì thích chơi chim, chơi cá, người thì thích chơi hoa, cây cảnh... Còn chú tôi thì thích sưu tầm, kiếm tìm những đồ vật cũ trong mấy chục năm trở lại đây. Về hưu rảnh rỗi, chú có thời gian để đi đây, đi đó. Khi thì chú về làng gặp bà con, khi thì đến bạn bè thân thuộc để hỏi xem ai còn không để mua những vật dụng đã cũ còn sót lại như cái chén, cái dĩa, cái lu, cái vại... đến những vật dụng làm bằng kim loại.

Hầu như ai có cũng cho nên chú ít khi phải mua. “Kiến tha lâu đầy tổ”, gần mười năm chú đã có nhiều thứ để trong nhà. Ban đầu thím và các con của chú cũng không ai nói gì, nhưng sau thấy chú đem về ngày càng nhiều thì mọi người can ngăn. Đại loại là những đồ mà chú mang về đã “lỗi thời”, “hết đát” từ lâu, lại còn quá cũ kỹ, có cái sứt mẻ và cả rỉ sét nữa. Có người bà con ở quê cho chú hai cái lu sành đã dùng cách đây hơn 50 năm, thế là chú thuê xe chở về. Nghe nói, lần đó thím càm ràm nhiều lắm vì nhà cửa không rộng, chỗ đâu mà để.

Thấy vợ con không mấy vui vẻ nên chú chọn lựa để loại vứt bớt và sắp xếp cho gọn gàng, chùi rửa sạch sẽ, nhưng đồ kim loại chú không sơn hay đánh bóng để làm mới mà giữ “nguyên trạng”. Chú đóng cái tủ kính có nhiều ngăn, nhiều tầng thay vì bỏ ở cái giá như trước đây để chưng các đồ vật, không cho bụi bám vào. Cái nào quá cỡ thì tìm cách bỏ ở vị trí phù hợp với không gian trong nhà. Tuy là đồ cũ, “chắp vá”, “rời rạc” nhưng qua cách bày trí của chú trông cũng thấy hay hay, phảng phất “không gian xưa”.

Những vật dụng như bàn ủi con gà (bàn ủi than) đã xộc xệch chú cũng kiếm được một cái. Nồi đồng nấu cơm cũng có đến mấy cái, cái thì có nắp đậy, cái thì không. Ngày trước nồi này nấu cơm ngon lắm, nhất là lớp cháy ở nồi ăn rất giòn. Chú nói, có được cái nào hay cái ấy, thiếu thì tìm bổ sung, gặp “duyên” thì trước sau gì cũng có đủ bộ. Hôm về làng để chạp, chú kiếm được cái mâm đồng có chân nặng cả ký, trên mâm có khắc hình những bông hoa. Chắc cái mâm này trước đây nhà khá giả mới sắm được. Phải một chầu vui vẻ với người bạn, chú mới có được nó, chỉ tiếc là cái mâm bị mất đi một chân. Mấy tháng sau chú ghé “vựa” ve chai để tìm kiếm mấy thứ thì vô tình thấy một cái chân mâm đồng, nhìn kích cỡ cũng vừa đang nằm lẫn trong đống sắt vụn. Vậy là chỉ tốn thêm mấy ngàn mà cái mâm lại được lành lặn. Thấy đẹp, chú thay luôn cái mâm nhựa mà gia đình đang dùng. Thím tôi thấy thế chỉ biết tủm tỉm cười.

Chú đưa tôi xem cái khuôn nặng trịch làm bằng gang để đổ bánh thuẫn được chú giữ lại cho đến bây giờ (cái nắp đậy đã thất lạc), mà hồi nhỏ khi tết đến, xuân về là cả nhà quây quần, ấm cúng bên nhau để làm bánh. Trong các thứ, tôi để ý đến cái đồng hồ để bàn có con gà mái đang ngúc đầu xuống, ngúc đầu lên để mổ thóc bên đàn gà con. Nhìn nó, nhớ lại ngày trước đời sống còn khó khăn, có được cái đồng hồ con gà cũng là tốt lắm rồi, loại này dùng rất bền. Nhà tôi lúc đó cũng có một cái như thế. Để cho nó chạy liên tục không bị đứng thì vài ngày phải lên giây cót một lần. Giá trị hơn là có cả chuông báo thức hẹn giờ, nhờ nó mà cả gia đình tôi trong các công việc không bị chậm trễ.

Ngày ngày, bên cạnh việc đưa đón cháu học hành, chăm chút mấy chậu hoa hường, hoa sứ, thú vui của chú là bên những thứ cũ kỹ, những kỷ vật... của một thời, nay đã đi vào hoài niệm. Lâu lâu chú lấy ra sắp đặt, sửa sang lại, ngắm nghía, rồi mân mê từng cái, kể lại chuyện “ngày xửa, ngày xưa...” với con, với cháu.

LINH THIỆN