Huế đang thiếu hụt phòng lưu trú cao cấp
Những điểm “nghẽn”
Hiệp hội Du lịch tỉnh phân tích, nếu nghe qua có thể thấy mâu thuẫn: ngành du lịch đã phục hồi tốt, nhưng lượng khách lại thấp. Điều này được thể hiện bởi hai lý do, nếu so với các địa phương, như Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Quảng Ninh… thì tổng lượng khách đến Huế chỉ đạt 1/3 – 1/2; thứ hai, với lượng khách như vừa qua, các dịch vụ ở Huế gần như đã hết công suất, chứng tỏ năng lực phục vụ của du lịch Huế đang rất hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, du lịch và dịch vụ tỉnh nhà có nhiều khởi sắc và phục hồi tích cực trong 6 tháng đầu năm, khách du lịch đến đạt trên 820 nghìn lượt, tăng 44%; doanh thu du lịch đạt trên 1.720 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ. Tuy vậy, vẫn chưa thu hút được nhiều lượng khách quốc tế; hệ thống cơ sở lưu trú, dịch vụ mua sắm phát triển chậm, hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tiếp cận các điểm đến của du khách; việc duy trì đảm bảo trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh còn bất cập.
Bí thư Thành ủy Huế - Phan Thiên Định mới đây cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm “nghẽn” của du lịch TP. Huế. Theo ông Định, với những gì Huế đang có, xét về lượng khách đến thành phố thời gian qua cho thấy sự phục hồi tốt, nhưng qua đó cũng chỉ ra rằng, năng lực về nơi đỗ xe, nơi lưu trú và những dịch vụ như ăn uống, mua sắm… của Huế rất hạn chế. Công suất sử dụng phòng ở các khách sạn vào các ngày cuối tuần gần như đã hết; Huế chưa có nhà hàng nào có thể chứa 1.000 khách. Điều này khiến một số hoạt động mà tỉnh, thành phố muốn tổ chức với một lượng lớn khách đến cùng một lúc không thể triển khai.
Khách đến Huế chủ yếu tập trung ở vùng lõi thành phố
Nhân lực du lịch vẫn đang là vấn đề nóng của du lịch Cố đô. Tình trạng giành giật nhau về nhân lực diễn ra thời gian qua, khiến không ít doanh nghiệp “đau đầu”. Ông Phan Trọng Minh, Phó Chủ tịch Hội Lưu trú cho biết, tình trạng khan hiếm lao động, năng lực phục vụ còn hạn chế dẫn đến chất lượng dịch vụ bị ảnh hưởng. Việc đào tạo lao động cũng gặp không ít khó khăn. Cần có một giải pháp kịp thời để bổ sung số lượng lao động mang tính thời vụ, sau đó tính đến chất lượng.
Phía Hội Lữ hành tỉnh thông tin rằng, nhiều đoàn khách chọn Đà Nẵng và Hội An để tổ chức chuyến vui chơi hè, nhưng ở những điểm trên vào một số thời điểm đã “full” dịch vụ, nên sau đó họ chuyển sang chọn Huế. Điều này giúp Huế thu hút thêm khách, nhưng đó cũng là nỗi buồn, chứng tỏ Huế chỉ là lựa chọn thứ 2, thứ 3. Điều này đáng phải phải suy nghĩ và nhìn nhận: dịch vụ du lịch ở Huế còn yếu và thiếu.
Đường hàng không luôn là điểm “nghẽn” lớn của Huế nhiều năm qua. Những người làm du lịch phản ánh, vé máy bay từ Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh đến Huế có giá thường gấp đôi ở Đà Nẵng, điều này ảnh hưởng rất lớn việc thu hút khách. Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh văn phòng Sở Du lịch lý giải vì sao mỗi ngày Huế chỉ khai thác được một số ít các chuyến bay rằng: chiều khách đến Huế thì có mà chiều đi từ Huế lại rất ít. Do đó, phía hàng không phải tăng giá vé chiều đến để cân đối chiều đi; việc không tăng tầng suất bay cũng vì lý do đó.
Điểm “nghẽn” nữa của du lịch cũng được chỉ ra là khách du lịch khi đến Huế, chủ yếu tập trung ở vùng lõi trung tâm TP. Huế, chưa nhiều khách về sử dụng các sản phẩm ở các huyện, thị xã. Dù một số điểm đến được đánh giá có dịch vụ tốt, sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của khách. Như ở một số điểm du lịch thuộc phá Tam Giang, chủ yếu thu hút khách trong tỉnh…
Cần quy hoạch sớm
Với những điểm “nghẽn” trên, một số lĩnh vực đang được kỳ vọng sẽ tháo gỡ tốt hơn trong thời gian đến, nhất là “nút thắt” về đường hàng không, khi nhà ga T2 của Cảng hàng không quốc tế Phú Bài sắp đưa vào khai thác.
Theo Bí thư Thành ủy TP. Huế, cần xem xét lại quy hoạch phát triển đô thị của tỉnh ta. Cần dành những không gian phù hợp để phát triển khách sạn trong các đô thị mới. Có thể giảm số lượng các resort, cần nhiều diện tích, nhưng số lượng phòng ít; hay ở một số đô thị mới, giảm diện tích bất động sản để dành quỹ đất cho khách sạn. Còn với đô thị trung tâm, cũng cần sự chuyển dịch, khuyến khích người dân làm dịch vụ, với những mô hình lưu trú chất lượng mà quy mô vừa phải.
Trong kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa VIII (14 - 15/7/2022), Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu yêu cầu các cơ quan liên quan cần sớm có quy hoạch hệ thống khách sạn; quy hoạch quỹ đất cho dịch vụ, mua sắm, ăn uống… Dựa trên những đánh giá thiếu hụt hiện tại và dự báo cho tương lai phải chuẩn bị các phương án ở cả trong khu đô thị mới và khu đô thị trung tâm hiện tại.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, trong thời gian tới, ngành sẽ tập trung triển khai các nhóm giải pháp, như tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương về phát triển du lịch thông qua các cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch cụ thể. Tập trung thực hiện đề án phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng đề án phát triển kinh tế đêm tại Thừa Thiên Huế nhằm phát triển bền vững ngành du lịch và các ngành liên quan; nâng cao đời sống kinh tế của người dân; đồng thời phát huy được giá trị di sản, văn hóa, lịch sử. Tiến hành lập và triển khai phương án phát triển ngành du lịch: xây dựng các đề án phát triển du lịch các khu, điểm du lịch tại các khu vực biển và đầm phá, sông, hồ, suối thác, các nghề, làng nghề truyền thống; phát triển dịch vụ du lịch tại Quần thể di tích Cố đô Huế...
“Song song là tập trung xây dựng và khai thác có hiệu quả các sản phẩm và dịch vụ xoay quanh các thương hiệu đặc trưng của địa phương đang nỗ lực xây dựng, như: “Huế - Thành phố Lễ hội”, “Huế - Kinh đô ẩm thực”, “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”. Xây dựng một số sản phẩm, dịch vụ du lịch, tổ chức hoạt động sự kiện gắn với văn hóa - di sản. Tiếp tục triển khai Festival 4 mùa. Nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm vui chơi giải trí, mua sắm ở TP. Huế và phụ cận, nhất là các tại tuyến phố đi bộ trên địa bàn thành phố”, ông Phúc nêu thêm giải pháp.
Bài, ảnh: Đức Quang