Tổ chức các hoạt động thực tế cũng là phương pháp hiệu quả trong giảng dạy các học phần lý luận chính trị

Chưa học đã... ngại

Đặt câu hỏi khảo sát về môn học đáng lo ngại nhất ở giảng đường đại học (ĐH), nhiều SV trả lời là các học phần LLCT.

Em V.D.H, một SV ĐH Huế đã hoàn thành các học phần này cho rằng: “Môn LLCT khô khan, kiến thức hàn lâm nhiều”. Lạ hơn là, một số tân SV chưa học cũng nhận định: “Nghe tên, em đã có tâm lý sợ môn này”.

LLCT là môn học quan trọng ở giảng đường ĐH. Song, nhiều năm qua, chuyện SV ngại học, lười học các học phần này với tâm lý học cho qua môn là thực tế. TS. Nguyễn Văn Quang, giảng viên Khoa Giáo dục chính trị, Trường ĐH Sư phạm nhìn nhận, trong giờ học, vẫn có trường hợp cầm điện thoại làm việc riêng.

Chưa có điều tra, khảo sát mang tính quy mô, song theo nhiều giảng viên giảng dạy các học phần LLCT, qua nắm tính hình trên lớp, tình trạng lười, học đối phó với các học phần này có thể thấy rõ. Tại một số lớp, kết quả kết thúc học phần của khá nhiều SV chỉ đủ điểm đạt, mức trung bình, không ít SV phải thi lại.

TS. Nguyễn Văn Quang trăn trở, cách đào tạo theo tín chỉ đòi hỏi một tín chỉ trên lớp cần thêm 2 tín chỉ SV tự học nhưng việc tự học, tự nghiên cứu tại nhà của SV với học phần LLCT vẫn là dấu hỏi lớn.

Nhiều nguyên nhân

Có khá nhiều nguyên nhân cho vấn đề trên. Theo các giảng viên Khoa Giáo dục chính trị, Trường ĐH Sư phạm tình trạng lười và ngại học các học phần LLCT có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, không chỉ từ phía người học. Đặc thù môn học tính chất lý thuyết nhiều, trong khi một số giảng viên theo phương pháp truyền thống, ít đổi mới, thiếu trực quan sinh động dẫn đến khó hấp dẫn người học.

Ngoài các buổi học trên lớp, nên có các hoạt động thực tế để sinh viên dễ nắm bắt kiến thức

Dưới góc độ quản lý, TS. Nguyễn Thế Phúc, Trưởng khoa Lý luận chính trị, Trường ĐH Khoa học cho rằng, còn tồn tại một số bất cập. Kể từ năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi giáo trình các học phần. Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin sang các học phần cụ thể của LLCT (Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh) nhưng chưa có văn bản hướng dẫn để thi hành chi tiết, có nhiều tài liệu giáo trình dẫn đến khó khăn cho SV. Hơn thế, các lớp học phần lý thuyết LLCT là môn chung, việc tổ chức một số lớp học đông SV, có trường hợp lên đến gần 200 em/lớp gây khó trong công tác quản lý, tổ chức dạy học để tạo tính hấp dẫn. Một số giảng viên phải tuân thủ theo tính quy củ của quản lý hành chính trong lớp học, của giáo trình, đúng với đề cương đào tạo tín chỉ, chương trình. Tuy nguyên tắc không sai, nhưng về mặt phương pháp ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả giảng dạy. “Nguyên nhân khác cũng cần nhấn mạnh là yếu tố đạo đức xã hội. Nếu đạo đức xã hội phát triển tốt đẹp, mọi người dân, nhất là cán bộ tuân theo kỷ cương, pháp quyền sẽ tác động tích cực đến học tập của SV. Ngược lại, đạo đức xã hội xuống cấp, kỷ cương pháp quyền không nghiêm sẽ gây khó khăn cho thực tiễn giảng dạy LLCT”, TS. Phúc trăn trở.

 Theo TS. Đăng Xuân Điều, giảng viên Khoa Giáo dục chính trị, Trường ĐH Sư phạm, tâm lý SV là học phải có động cơ. Nội dung các môn lý luận với nghề nghiệp cảm giác xa, tâm lý môn phụ, học không phục vụ nghề nghiệp tương lai nên SV ít hứng thú.

Tác động đời sống hiện đại, các xu hướng mới khiến sự quan tâm, hiểu biết của SV cũng bị chuyển hướng. Trong khi các môn LLCT gắn với tình hình chính trị, thời sự nhưng một bộ phận SV ít quan sát theo dõi tình hình trong nước, dẫn đến mơ hồ về kiến thức. Khi rơi vào tình trạng khó hiểu, sẽ dẫn đến chán và không muốn học.

Không phải vô cớ, LLCT được xem là học phần “bắt buộc” mà tất cả SV cần phải học. LLCT được xem là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng. Với SV, những người trẻ tuổi đang tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, hình thành nhân cách, rèn luyện bản lĩnh chính trị thì các môn học LLCT lại càng quan trọng. Chỉ khi chất lượng, hiệu quả học tập LLCT nâng lên, đội ngũ SV - tầng lớp trí thức ngày sau mới thực sự vừa “hồng” vừa “chuyên”, toàn tâm toàn ý đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng bộ giải pháp

Giải quyết những vấn đề từ người học - người dạy - cơ chế chính sách và yếu tố từ đơn vị đào tạo thì bài toán trên mới thực sự được giải.

TS. Nguyễn Văn Quang phân tích, qua thực tiễn giảng dạy kết hợp minh họa hoặc kết hợp các hoạt động sử dụng phương pháp kỹ thuật dạy mới (thảo luận nhóm, cho SV làm clip…) thì SV có hứng thú hơn. Vì là môn học nặng tính hàn lâm, giữa tiết dạy, có thể dừng lại vài phút, sử dụng các kỹ thuật dạy học mới để phá đi sức ì… Khi nội dung không đổi, việc đổi mới phương pháp dạy học là cách tốt nhất. Đặc biệt, cần tăng tính thực tiễn, liên hệ gần gũi với đời sống của SV.

Theo TS. Nguyễn Thế Phúc, phải quan tâm đến việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức xã hội, thực hành nghiêm tính kỷ luật, kỷ cương pháp quyền thông qua việc nêu gương từ các cấp. Tại các trường, yếu tố quản lý, tổ chức lớp học phải được đầu tư, không vì cơ sở vật chất mà ghép lớp, cần tạo các lớp học số lượng vừa phải. Bên cạnh đó, cần nâng cao chuyên môn cho người dạy thông qua các hoạt động đi thực tế, nghiên cứu tìm hiểu các mô hình quản lý, mô hình doanh nghiệp, kinh tế để cập nhật thông tin, đúc rút thành lý luận, bổ sung vào bài giảng thêm sinh động.

Bài, ảnh: Hữu Phúc