Mới đây tại TP.Hồ Chí Minh phát hiện một vụ “ăn chặn” tiền bữa ăn bán trú ở một trường học, đã dấy lên nhiều nghị ngại, không chỉ một trường ở TP.Hồ Chí Minh mà có thể còn nhiều trường khác; không chỉ ở TP.Hồ Chí Minh mà có thể còn nhiều nơi khác? Bởi định ra cho được bữa ăn đúng giá trị, thông qua kiểm tra, có thể làm được. Nhưng để kiểm tra thường xuyên là một việc làm khó. Giả thử có qui định mọi thứ lương thực thực phẩm để phục vụ bữa ăn cho học sinh khi nhập vào buộc phải có chứng từ hoặc một bộ phận nào đó kiểm tra xác nhận… thì việc “phù phép”, hợp lý hóa cũng không phải là quá khó. Dựa vào cái tâm của nhà trường và những người đảm nhiệm công việc này lại càng… mong manh hơn.

Thì đây, hiệu trưởng, bếp trưởng, kế toán của trường (tạm gọi trường A ở TP.Hồ Chí Minh bị phát hiện) trong 2 năm đã nhận 435 triệu đồng từ những đơn vị cung cấp nguyên liệu cho bữa ăn của học sinh, đã nói lên sự mong manh của lòng tin nếu không kiểm soát tốt. Như trên đã nêu, kiểm soát bằng việc kiểm tra thì được nhưng rất khó duy trì đều đặn, thường xuyên. Chính đây là một kẽ hở to tổ bố cho việc “rút ruột”!

Trong vụ việc nêu trên, chúng ta thấy sức ảnh hưởng và quyết định của vai trò bếp trưởng. Trong 3 vị trí nhận tiền thì bếp trưởng nhiều nhất, hơn 310 triệu, trong khi hiệu trưởng 100 triệu và kế toán chỉ 24 triệu. Nếu bếp trưởng không quan trọng thì đơn vị cung cấp nguyên liệu lương thực thực phẩm không “chung chi” nhiều đến vậy. Thế họ quan trọng ở chỗ nào? Có lẽ ở chỗ, đó là người quyết định số lượng, chất lượng bữa ăn như thế nào. Bếp trưởng đóng vai trò trung tâm quyết định bữa ăn và là người trực tiếp giao dịch với bên cung cấp. Chính vai trò này mà họ có quyền thông đồng với hai đầu - đó là hiệu trưởng và kế toán. Vai trò của hiệu trưởng trong việc này có lẽ bằng sự ảnh hưởng của người lãnh đạo để tác động đến đơn vị cung cấp. Kế toán là người hợp lý hóa các chứng từ, sổ sách tài chính. Với những vai trò như vậy, một khi họ phối hợp chặt chẽ với nhau và “lão luyện” trong xử lý hợp lý tài chính thì… hơi bị khó phát hiện.

Như 3 đặc điểm vừa phân tích ở trên: (1) Định giá cho được bữa ăn đúng giá trị thực là một việc khó (chuyện xê dịch giá cả vài phần trăm thậm chí hơn chục phần trăm là chuyện thường vì, ví dụ giá trị thực phẩm mua vào có nhiều loại phẩm cấp khác nhau), (2) chuyện kiểm tra chất lượng hàng ngày là việc khó thực hiện, (3) chuyện hợp lý hóa chứng từ cũng không phải là không làm được. Như vậy chúng ta hoàn toàn có cơ sở tin rằng chuyện ăn bớt một phần trong khẩu phần ăn của học sinh có thể diễn ra còn phổ biến hơn.

Nói như thế không có nghĩa là chuyện này không có thuốc trị. Mọi tình huống đều có giải pháp xử lý thích hợp. Việc này thuộc về trách nhiệm của những nhà quản lý của ngành giáo dục.

Xã hội ngày càng phát triển. Công việc của nhiều người, đặc biệt là ở các thành phố lớn trở nên bận rộn. Có nhiều thành phố, các bậc phụ huynh đi làm việc thông tầm nên nhu cầu học bán trú cho học sinh là rất lớn. Ngay như ở TP.Huế, vào đầu cấp học lớp một “kiếm” được một xuất bán trú cho con ở các trường thuận tiện với công việc và đưa đón không phải là chuyện dễ. Khi nhu cầu vượt điều kiện cung cấp thì nó phát sinh nhiều chuyện. Chúng ta không lạ gì chuyện xin cho con được học trường này trường kia. Đã có một bên xin thì ắt có một bên cho. Đây là quan hệ mất cân bằng mà bên xin bao giờ cũng là một bên lép vế. Đã lép vế rồi thì họ ít có quyền đòi hỏi. Nếu những người có quyền xử sự không đúng mực, không tốt… thì chuyện tiêu cực rất dễ xảy ra. Trường hợp một trường ở TP.Hồ Chí Minh như nêu trên tiêu cực trong việc cung cấp bữa ăn cho học sinh là một ví dụ.

                                                          Nguyên Lê