Tư vấn thông tin tuyển sinh năm 2022 cho thí sinh
Điểm sàn cơ bản ổn định
Mới đây, Hội đồng tuyển sinh Đại học (ĐH) Huế vừa công bố điểm sàn tuyển sinh ĐH hệ chính quy theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (điểm thi) và phương thức xét điểm thi kết hợp với kết quả thi năng khiếu (chiều 1/8). So với mức điểm sàn theo cùng phương thức trong năm 2021, điểm sàn năm nay ở đa phần các ngành, nhóm ngành không có nhiều thay đổi.
Ngoại trừ nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ ĐH và ngành giáo dục mầm non trình độ cao đẳng năm 2022 cùng nhóm ngành sức khỏe có điểm sàn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, thì tại ĐH Huế, năm nay có khoảng 85 ngành giữ mức điểm sàn tương đương năm ngoái, đa phần là các ngành thuộc các trường ĐH: Ngoại ngữ, Kinh tế, Khoa học, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế…
Số lượng ngành biến động điểm sàn không quá nhiều, chủ yếu theo chiều hướng tăng. Trong đó, hai ngành luật và luật kinh tế của Trường ĐH Luật đều có điểm sàn tăng 0,5 điểm so với năm 2021 (từ 15 lên 15,5 điểm); ngành quản trị du lịch và khách sạn (Trường Du lịch - ĐH Huế) tăng 2 điểm, ở mức 22 điểm. Tại Khoa Quốc tế - ĐH Huế, có 2 ngành tăng điểm sàn là truyền thông đa phương tiện tăng mạnh 3 điểm (từ 17 điểm năm 2021 lên 20 điểm năm 2022), ngành quan hệ quốc tế tăng 0,5 điểm (17,5 điểm lên 18 điểm). Đáng chú ý, các ngành tại Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị và các ngành của các trường ĐH thành viên, trường thuộc ĐH Huế đào tạo ở Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị đều tăng điểm sàn từ 14 điểm (năm 2021) lên mức 15 điểm trong năm nay.
Năm 2022, ĐH Huế có 4 ngành có điểm sàn giảm, trong đó Trường ĐH Nông Lâm có 3 ngành là công nghệ thực phẩm (từ 19 điểm năm 2021 xuống 18 điểm năm 2022), chăn nuôi (song ngành chăn nuôi - thú y) từ 18 điểm xuống 16 điểm và ngành thú y từ 20 điểm xuống 18 điểm. Ngành quản trị và phân tích dữ liệu (Trường ĐH Khoa học) cũng giảm 1 điểm, từ 16 điểm năm 2021 xuống 15 điểm trong năm nay.
Theo TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế, xét mặt bằng chung, đây là năm có điểm sàn tương đối ổn định, nhiều trường có kết quả điểm sàn các ngành đều giống năm 2021. Trong khi đó, TS. Nguyễn Quang Lịch, Phó Khoa trưởng phụ trách Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế cho biết, năm nay có nhiều thay đổi trong tuyển sinh và căn cứ để xác định mức điểm sàn năm nay dựa trên nhiều yếu tố, như: Kết quả thí sinh trúng sơ tuyển theo phương thức xét học bạ và phương thức xét tuyển thẳng, căn cứ phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và mức điểm sàn các năm. Song, điểm sàn chỉ là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Tư vấn thông tin tuyển sinh năm 2022 cho thí sinh
Điểm chuẩn khả năng sẽ ít biến động
Theo các chuyên gia, nhìn vào điểm sàn và xét về tổng thể, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 tương đối ổn định so với năm trước, nhiều tổ hợp xét tuyển sẽ không có biến động quá lớn về điểm trúng tuyển, khả năng biên độ thay đổi điểm chuẩn các ngành không quá lớn.
TS. Nguyễn Công Hào phân tích, điểm chuẩn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có tình hình thí sinh đăng ký nguyện vọng. Dự kiến giữa tháng 9/2022 mới có điểm chuẩn. Qua dự báo ban đầu từ kết quả thi THPT của thí sinh, điểm chuẩn các ngành có tổ hợp có môn ngoại ngữ, sinh học có thể giảm nhẹ. Ngược lại, ngành mà tổ hợp có môn lịch sử, giáo dục công dân có thể tăng do các môn thi này có điểm bình quân tăng.
Nhìn phổ điểm, có thể thấy điểm trung bình môn lịch sử tăng tới 1,4 điểm. Điểm thi môn ngữ văn tương đương năm 2021, trong khi môn toán có xu hướng giảm không đáng kể. Điểm trung bình môn tiếng Anh giảm nhiều nhất (giảm 0,7 điểm), môn sinh học giảm 0,5 điểm. Điểm trung bình của tổ hợp C00 (văn, sử, địa) tăng hơn 1 điểm. Cũng vì thế, điểm chuẩn các nhóm ngành xã hội sử dụng tổ hợp C00 có thể tăng. Các tổ hợp xét tuyển khác như A01 (toán, lý, anh), B00 (toán, hóa, sinh) và D00 (toán, văn, Anh) có thể giảm so với năm 2021 do ảnh hưởng bởi điểm môn sinh và tiếng Anh.
Các chuyên gia nhấn mạnh, phải xác định cụ thể các tổ hợp môn. ThS. Phan Thanh Tiến, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ cho rằng, các ngành có những tổ hợp môn xét tuyển mà vừa có môn điểm trung bình tăng, vừa có môn điểm trung bình giảm như tổ hợp môn B04 (toán, sinh, giáo dục công dân) thì mức điểm chuẩn có thể không biến động nhiều. Mặt khác, những ngành “hot”, có sức hút thí sinh vẫn có khả năng giữ, hoặc tăng điểm chuẩn.
Ngoài ra, phải dựa vào lượng thí sinh đăng ký xét tuyển với chỉ tiêu tuyển sinh. TS. Đỗ Xuân Phú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nghệ thuật cho biết, đơn cử như năm nay, số thí sinh đăng ký dự thi và đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các ngành năng khiếu của trường tăng 1,5 lần so với năm ngoái thì mức điểm chuẩn nhiều khả năng không giảm hoặc có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Bài, ảnh: Hữu Phúc