Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư 06/2022/TT-BNNPTNT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản. Theo đó, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu để gia công xuất khẩu, sản xuất xuất khẩu được miễn kiểm dịch.

Danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản miễn kiểm dịch gồm: động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu thuộc diện ngoại giao; sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu để gia công xuất khẩu, sản xuất xuất khẩu; sản phẩm động vật thủy sản làm hàng mẫu thử nghiệm; sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu để trưng bày hội chợ, triển lãm; sản phẩm động vật thủy sản làm thực phẩm xuất khẩu bị triệu hồi hoặc trả về.

Sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch gồm: sản phẩm động vật thủy sản (bao gồm cả phôi, trứng, tinh dịch và ấu trùng của các loài thủy sản) ở dạng tươi sống, ướp lạnh, đông lạnh; các đối tượng sản phẩm động vật thủy sản khác thuộc diện phải kiểm dịch theo yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc theo quy định của các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

Theo Hiệp hội Chế biến và  Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Thông tư 06/2022/TT-BNNPTNT thực sự tháo gỡ một gánh nặng về thủ tục cho doanh nghiệp thuỷ sản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu để gia công, sản xuất xuất khẩu trong bối cảnh nguồn nguyên liệu trong nước không ổn định và thiếu hụt theo mùa vụ, trong khi nhu cầu nhập khẩu của thị trường thế giới gia tăng.

Cũng theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong 7 tháng năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản đạt gần 6,7 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021.

Với kết quả này, xuất khẩu thuỷ sản đang có dấu hiệu hạ nhiệt, tăng trưởng chậm lại. Cụ thể, xuất khẩu thủy sản tăng 34% trong tháng 5 và tăng 18% trong tháng 6. Sang tháng 7, xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục chững lại với giá trị 970 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 4% so với tháng 6/2022.

Nguyên nhân giảm được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ ra là từ tháng 5 là do thời tiết bất lợi, mưa sớm hơn so với mọi năm làm ảnh hưởng đến đến sản lượng thủy sản, gây ra dịch bệnh trên tôm nuôi khiến cho cho sản lượng tôm giảm, đồng thời nguồn hàng dự trữ từ năm ngoái cũng đã cạn dần.

Riêng xuất khẩu tôm trong tháng 6 đã giảm 1% so với cùng kỳ năm trước vì vấn đề thiếu hụt nguyên liệu. Sang tháng 7,  xuất khẩu tôm tiếp tục giảm gần 13% đạt 385 triệu USD. Trong 7 tháng, xuất khẩu  tôm đạt 2,65 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản xuất tôm trong nước và nhu cầu tôm thế giới được dự báo là không khả quan trong 6 tháng cuối năm. Nguồn cung tôm của các nước sản xuất tăng mạnh, lượng  nhập khẩu của các thị trường chính như Mỹ, EU tăng trong nửa đầu năm sẽ dẫn đến lượng tồn kho tăng và nhu cầu chững lại trong nửa cuối năm.

Trong khi đó, sản xuất tôm nguyên liệu trong nước đang gặp khó khăn vì thời tiết và các chi phí quá cao, do vậy sẽ tiếp tục thiếu hụt tôm nguyên liệu trong nửa cuối năm.

Xuất khẩu cá tra cũng tăng trưởng cũng chậm lại do nhu cầu nhập khẩu cũng có xu hướng chững lại ở một số thị trường chứ không phải vấn để ở nguồn nguyên liệu. Trong 7 tháng, xuất khẩu cá tra đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2022.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định, khan hiếm nguyên liệu tôm và hải sản sẽ tiếp tục chi phối đến kết quả xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong quý III. Theo đó dự báo quý III, xuất khẩu thủy sản sẽ tăng trưởng chậm hơn so với quý II và quý I, ước đạt khoảng 3 tỷ USD.

Theo TTXVN