Học lịch sử qua hoạt động ngoại khóa

Trong 5 năm qua, phổ điểm lịch sử luôn lệch trái, số thí sinh đạt điểm dưới trung bình chiếm tỷ lệ lớn. Thừa Thiên Huế không ngoại lệ, khi nhiều năm liền điểm trung bình môn lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đều rất thấp, loanh quanh ở mức dưới trung bình: 4,3 điểm (năm 2017), 3,6 điểm (năm 2018), 4,1 điểm (năm 2019) và 4,93 điểm (năm 2020), xếp thứ 60. Đây là mức thấp hơn mức trung bình cả nước. Tuy nhiên, năm 2022, số thí sinh bị điểm liệt môn lịch sử giảm hẳn, đáng kể, có đến 12 em đạt điểm 10 môn lịch sử và điểm phổ cập của Thừa Thiên Huế là 6,14 (cả nước 6,34).

Khi xem đề thi tốt nghiệp THPT môn lịch sử, cô Lê Thị Mỹ Dung, Tổ trưởng bộ môn sử Trường THPT Hà Trung (Phú Vang) cho hay, tôi đã dự đoán trước điểm thi sẽ cao, vì đề thi chính thức bám sát đề minh họa do Bộ GD&ĐT đưa ra. Nhìn chung, đề thi không đánh đố nên kết quả này không phải là điều bất ngờ. Các năm trước, điểm môn thi này luôn ở tốp thấp, thậm chí “đội sổ” khiến nhiều người có cái nhìn tiêu cực về môn học. Cô Dung cho rằng, việc điều chỉnh ma trận đề thi mang lại kết quả tốt. Điều này có ý nghĩa lớn khi môn sử được chọn làm môn bắt buộc, học sinh và phụ huynh sẽ an tâm hơn khi học tập. Việc điểm thi lịch sử tăng lên là tín hiệu đáng mừng cho việc dạy và học.

Đề thi môn lịch sử trong kỳ thi THPT năm 2022 dễ hơn so với những năm trước. Trong đó, số câu hỏi mức độ nhận biết, thông hiểu chiếm khoảng 80%, câu hỏi vận dụng và vận dụng cao chiếm khoảng 20%. Độ khó của những câu vận dụng tăng nhiều so với các năm trước, nhưng độ khó câu vận dụng cao lại giảm đi. Ngoài ra, kiến thức tập trung chủ yếu trong chương trình lớp 12, kiến thức lớp 11 chỉ có khoảng 2 câu.

Theo nhiều giáo viên, đề thi môn lịch sử năm nay dễ không đồng nghĩa với việc không phân hóa được thí sinh. Mỗi cấp độ đều có sự phân hóa nhất định. Điểm 10 môn này không tập trung một trường hay một khu vực nhất định. Đây cũng là minh chứng cho việc đề thi đã thành công trong việc phân hóa trình độ và khả năng học tập của thí sinh.

Thầy giáo Ngô Đắc Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ cho rằng, kết quả thi môn lịch sử có dấu hiệu khởi sắc là tín hiệu vui cho ngành giáo dục. Tuy nhiên, chúng ta cần có cái nhìn xa hơn để thấy rõ sự thay đổi này đến từ việc thầy cô biết cách thay đổi phương pháp dạy học, học sinh biết biến nỗi sợ điểm liệt thành động lực học tập chứ không chỉ đơn giản là vì đề thi dễ.

Điểm số chưa thể phản ánh hết, nhưng kết quả học tập đạt thấp trong nhiều năm liên tục là nỗi bức xúc của Thừa Thiên Huế, một vùng đất di sản văn hóa. Vấn đề đặt ra trước mắt là, cần đổi mới cách dạy và học môn sử để vượt qua “vùng trũng” môn lịch sử.

Tại hội nghị bàn giải pháp để cải thiện điểm số môn lịch sử, đại diện các trường cho rằng, cần tổ chức hội nghị chuyên đề về dạy học, về phương pháp hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu gắn với tăng cường các hoạt động trải nghiệm và dạy học di sản văn hóa địa phương. Còn để đạt kết quả thi tốt, nên xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm khách quan vừa sức với học sinh và cho phổ biến rộng rãi. Kiểm tra đánh giá kỳ 1 lớp 12 nên bỏ phần tự luận, vì thi tốt nghiệp chỉ đánh giá trắc nghiệm khách quan. Cùng có ý kiến, các trường nên sớm đưa phòng thực hành vào sử dụng và cần tăng cường sinh hoạt chuyên môn cụm, tạo điều kiện để học sinh giao lưu và học hỏi kinh nghiệm.

Lâu dài, phải tính đến chuyện khơi dậy trách nhiệm “dân ta phải biết sử ta” (Hồ Chí Minh - Lịch sử nước ta) và niềm đam mê môn sử. Cách giảng dạy của giáo viên cũng cần có sự chuyển biến tích cực. Thay vì chỉ dạy những kiến thức trong sách giáo khoa, thầy cô đầu tư thêm các bài giảng, video thú vị về kiến thức lịch sử. Học sinh cũng có thể tiếp cận kiến thức lịch sử trên các nền tảng mạng xã hội, cũng là một cách để vừa học vừa chơi. Mỗi giáo viên phải là một “thực tiễn giáo dục” phong phú mà ở đó, học môn lịch sử là một quá trình khám phá, giải mã, suy ngẫm về quá khứ thông qua các nguồn sử liệu, từ đó hình thành nên nhân cách, phẩm chất, năng lực người học.

Bài, ảnh: An Nhiên