Nhưng tôi không thắng được nỗi sợ “mổ xẻ”. Vừa hay cô bạn mách, thời gian qua, cô đang chữa bệnh tại một thầy thuốc nam. Hiệu quả lắm. Bạn còn biết nhiều người cũng khỏi hẳn bệnh nhờ uống thuốc của thầy. Nhưng thời gian uống thuốc khá dài và cũng khá tốn kém. Bạn bảo tôi cứ đến để thầy bắt mạch, nếu chữa được bằng thuốc nam thì tốt, khỏi phải “đụng dao đụng kéo”.

Hôm bắt mạch xong, thầy bảo: “Một ngày uống 150 nghìn tiền thuốc, dự kiến uống liền 3 tháng, chị có khả năng “theo” được không”. Có bệnh đương nhiên phải cố gắng lo liệu, dù có khó khăn. Vậy là quyết định cứ 1 lần lấy 1 đợt thuốc cho 10 ngày, vừa để thầy bắt mạch xem tiến triển bệnh như nào, theo đó mà gia giảm thuốc cho phù hợp. Mặt khác cũng để “nhẹ nhàng” hơn trong việc “lo” tiền thuốc.

Ở quê, mẹ tôi bệnh xương khớp phải nhập viện điều trị. Ba tôi cũng bệnh, yếu. Vậy nên tôi xin nghỉ phép 10 ngày về quê chăm nom ba mẹ. Tôi đang uống dở dang thuốc đợt 1. Nếu về quê 10 ngày thì sẽ thiếu thuốc. Do đó, tôi đến để thầy bắt mạch, lấy tiếp đợt thuốc thứ 2, mang theo về.

Sau 10 ngày (hết thời gian phép của tôi), tưởng bệnh mẹ đã ổn, tôi “giao phó” mọi việc cho vợ chồng cô em gái ở quê. Nhưng vài ngày sau, em gái tôi gọi điện thoại bảo, tình hình mẹ tôi đột nhiên “căng” hơn. Bác sĩ yêu cầu phải nằm viện tiếp. Vậy là tôi lại xin nghỉ nốt tiêu chuẩn phép còn “để dành”.

Lại đến tìm thầy để lấy thêm 5 ngày thuốc, bởi vì số thuốc lấy đợt vừa rồi vẫn còn. Tôi không lấy nhiều hơn, bởi trong tình hình này, phải để dành tiền cho những việc cần thiết khác. Thấy tôi đến, thầy ngạc nhiên (vì tôi mới lấy thuốc cách đây mấy hôm). Biết lý do tôi lại về quê, thầy hỏi: “Răng chị về quê mãi rứa? Có việc chi?”. Tui: “Dạ, vì mẹ em ốm phải điều trị tại bệnh viện. Tưởng đã ra viện được rồi, nhưng không ngờ vẫn chưa đỡ. Nên em quay trở ra”. Thầy: “Nhà không còn ai, chỉ mình chị à”? Sau khi nghe tôi kể người anh cả ở xa, lại đang thực hiện nhiệm vụ trong quân đội, khó có thể về. Ở quê còn vợ chồng cô em út. Nhưng do ba tôi già yếu, cũng cần người “trông”, nên mấy chị em tôi cùng “xúm vào” lo cho ba mẹ.

Thầy: “Tui lấy cho chị 10 ngày thuốc luôn”. Tôi: “Dạ…em không mang đủ tiền”. Tôi bất ngờ khi thầy nhẹ nhàng bảo: “Số thuốc này, tui tặng chị. Tiền đó chị để về lo cho ba mẹ”. Tôi nói, hãy để tôi gửi thầy một nửa tiền thuốc cũng được. Nhận hết, tôi ngại lắm”. Thầy lại nhẹ nhàng: “Chị cứ nhận đi, đừng ngại. Yên tâm mà về lo cho ba mẹ chị”. Thực sự xúc động trước sự cảm thông mà người thầy thuốc này sẵn lòng dành cho người khác! 

Tôi nhớ bạn từng kể, thầy đã chữa bệnh miễn phí cho rất nhiều trường hợp đặc biệt khó khăn, nhất là đối tượng trẻ em và người già. Lòng tràn ngập cảm kích và biết ơn lòng tốt của thầy. Vậy là tôi đã nhận một ân tình. Nợ tiền dễ trả. Ân tình đã nhận là mãi mãi.

Lòng tốt của thầy, có thể tôi chẳng có cơ hội “trả” cho thầy (mà chắc chắn thầy cũng không cần điều đó). Nhưng tôi sẽ “mang theo” lòng tốt này như một “lời nhắc nhở”, nếu có thể, trong khả năng của mình, hãy giúp đỡ người khác, có thể một người kém may mà mình không hề quen biết, để những điều tốt đẹp, dù nhỏ bé, cũng được tiếp nối.

Quỳnh Anh