Hộ chiếu châu Âu cho một đoàn khách khởi hành ở Hà Nội tháng 7/2022. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Việc cơ quan đại diện Đức, Tây Ban Nha, Czech không cấp thị thực vào hộ chiếu phổ thông Việt Nam theo mẫu mới không ghi thông tin nơi sinh là tình huống bất ngờ và hiếm gặp từ trước đến nay. Vậy tại sao nơi sinh lại quan trọng như vậy?

Mặc dù hiện không phải du khách Việt nào cũng dùng hộ chiếu cấp mới (bìa xanh tím than, từ ngày 1/7/2022) để du lịch châu Âu (qua ba nước Đức, Tây Ban Nha, Czech) nhưng quy định đột ngột cũng khiến các đơn vị lữ hành chuyên tuyến đường này bối rối.

Ngay say đó, Bộ Công an Việt Nam đã nhanh chóng có động thái nhằm xử lý các vấn đề mang tính kỹ thuật của hộ chiếu cấp mới.

Vì sao nơi sinh quan trọng?

Theo Best Citizenships - công ty chuyên về quy hoạch và cư trú toàn cầu, việc thiếu nơi sinh (Place of Birth - POB) trên hộ chiếu bị nhiều quốc gia coi là mối đe dọa an ninh. POB cùng với DOB (Date of birth - ngày sinh) và các thông tin sinh trắc học (dấu vân tay, nhóm máu, đặc điểm nhận dạng) được dùng để kiểm tra và phân biệt với những kẻ tình nghi, khủng bố trong danh sách đen của mọi quốc gia.

Hơn thế, nơi sinh là thông tin không bao giờ thay đổi, dù mỗi người có bao nhiêu cuốn hộ chiếu được các quốc gia khác nhau cấp đi chăng nữa. Tương tự ngày sinh cũng vậy. Hai thông số mang tính định danh này gắn liền với một cá nhân suốt cuộc đời. Do đó, bỏ trống thông tin nơi sinh thường được coi là mối đe dọa an ninh biên giới. Bởi các cá nhân có thể dễ dàng che giấu danh tính, hòng “qua mắt” cơ quan an ninh.

Ngoài ra, nơi sinh cũng giúp phân biệt cá nhân đó với những người trùng tên, ngày tháng năm sinh nhưng khác quốc tịch, góp phần ngăn chặn ai đó cố gắng sử dụng danh tính của bạn.

Tuy nhiên, khi đặt ra các tiêu chuẩn chung cho hộ chiếu thì Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) lại quy định thông tin về nơi sinh mang tính tùy chọn. Tổ chức này cũng lưu ý thêm các nước, tổ chức cấp hộ chiếu cần xem xét kỹ lưỡng khi lựa chọn bỏ hoặc giữ thông tin nơi sinh.

Ở Việt Nam, thống kê sơ bộ từ các công ty chuyên tour outbound (đưa du khách Việt ra nước ngoài), hiện trung bình mỗi đoàn có khoảng 10%-15% khách đang dùng hộ chiếu mới không có thông tin nơi sinh.

Lữ hành xoay sở tìm “tiếng nói chung”

Tham gia đoàn tour châu Âu 24 khách khởi hành ngày 28/7, nhập cảnh Đức rồi tới Hà Lan của Công ty Du lịch châu Mỹ, hai du khách Việt Nam từ Thành phố Hồ Chí Minh bất ngờ nhận tin Đức ngừng cấp visa vào hộ chiếu mẫu mới chỉ trước chuyến đi một ngày, kèm cảnh báo những người đã nhận visa có thể không được nhập cảnh.

Trong đoàn chỉ có hai người này sử dụng hộ chiếu mẫu mới. Mặc dù bối rối trước quy định mới nhưng đại diện công ty du lịch đã phải tìm cách xoay sở, đàm phán ngay trong đêm 27/7 để chuyến đi ra đúng kế hoạch. May mắn là hai bên đều tìm thấy “tiếng nói chung” để chốt phương án cuối cùng là hai khách bay riêng và nhập cảnh Hà Lan trước, ở lại đây chơi hai ngày rồi sau đó nhập đoàn.

Mặc dù phương án mới có phát sinh chi phí, ảnh hưởng ít nhiều tới hoạt động của doanh nghiệp, nhưng không còn cách nào khác và đại diện phía công ty Du lịch châu Mỹ khẳng định mục tiêu đặt lên hàng đầu luôn là đảm bảo trải nghiệm an toàn, hài lòng cho khách hàng.

Hộ chiếu mẫu mới do Đại sứ quán Việt Nam tại Đức cấp có số serial bắt đầu bằng chữ Q. (Ảnh: TTXVN)

Trước quy định từ chối cấp thị thực vào hộ chiếu mới không có nơi sinh của Việt Nam ở ba nước Đức, Tây Ban Nha, Czech, hiện ảnh hưởng nhất đối với các đơn vị lữ hành chuyên outbound là 2 tuyến châu Âu truyền thống: Tây Âu (Đức-Pháp-Bỉ-Hà Lan-Luxemburge) và tuyến Đông Âu (Pháp-Đức-Áo-Czech-Hungary), đặc biệt tuyến Tây Âu sử dụng chặng bay thẳng Franfurst-nhập và xuất cảnh từ Đức (tuyến này bán chạy do tối ưu hóa được giá tour nên chặng bay có giá tốt).

Đại diện Công ty Image Travel & Events cho rằng có du khách thuộc diện ảnh hưởng bởi sự việc trên, các đơn vị lữ hành có thể hoàn tiền cho khách, đổi lịch trình tour, hủy lịch trình qua Đức, Tây Ban Nha, Czech hoặc bảo lưu tour.

Song, dù xử lý theo phương án nào thì công ty cũng thiệt hại kinh tế. Đặc biệt, nếu thay đổi lịch trình thì chi phí phát sinh khá lớn. Thậm chí, với mỗi khách hủy tour, ước tính thiệt hại có thể lên tới 60 triệu đồng, bao gồm các chi phí landtour như vé máy bay, phí hành chính, các loại phí dịch vụ vận chuyển, lưu trú…

Trong khi đó, đại diện một số đơn vị lữ hành như Saigontourist, Vietravel, Flamingo Redtours, Image Travel & Events, AsiaTravel... cho hay sau khi rà soát hộ chiếu của du khách đã đặt các tour đi châu Âu khởi hành đến tháng Chín chưa thấy có thiệt hại vì hầu hết vẫn dùng hộ chiếu cũ. Chùm tour ngoại đang “hot” Hè 2022 hiện có nhiều lựa chọn như Anh, Scotland, Pháp, Italy…, nên nhân viên các công ty sẽ tư vấn cho khách theo thực tế hồ sơ.

Theo bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty du lịch Vietravel, hành trình nào bắt buộc bay vào Đức, Tây Ban Nha, Czech, công ty sẽ nhận khách có hộ chiếu mẫu cũ cũng như tư vấn du khách đã và đang có lịch khởi hành đi châu Âu điều hướng và điều chỉnh lịch trình tour không đi qua các nước đang dừng cấp visa cho những người dùng hộ chiếu mới.

Dẫu sao đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời để ứng phó với tình huống chưa có tiền lệ của du lịch Việt. Đại diện các đơn vị lữ hành hầu hết vẫn tỏ ra quan ngại nếu không sớm có phương án giải quyết các vấn đề mang tính kỹ thuật của hộ chiếu cấp mới, thiệt hại với các tour tuyến châu Âu vừa mới được phục hồi hậu COVID-19 sẽ là nhãn tiền.

Bộ Công an vào cuộc

Ngày 27/7, các cơ quan của Đức thông báo tạm thời không công nhận hộ chiếu của Việt Nam được cấp từ ngày 1/7/2022, vì một số thông tin nhận dạng như nơi sinh không còn xuất hiện trong đó, nên các cơ quan của Đức không cấp thị thực (loại C-, D-) cho những hộ chiếu mới này. Ngay sau đó, Cộng hòa Czech và Tây Ban Nha trong tuần cũng thông báo không công nhận mẫu hộ chiếu mới bìa màu xanh tím than của Việt Nam với lý do tương tự. Điều đó làm dấy lên lo ngại trong giới lữ hành.

Tại Phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức tối qua (ngày 3/8), Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an đã trả lời những thông tin liên quan đến việc cấp hộ chiếu mới và khẳng định “trong thời gian sớm, chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề này.”

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đang phối hợp để xử lý các vấn đề mang tính kỹ thuật của hộ chiếu mới: “Trước mắt, để tạo điều kiện thuận lợi, Bộ Công an sẽ ghi bổ sung nơi sinh của công dân trong phần bị chú của hộ chiếu. Nếu cần thiết, công dân có thể đến Cục Xuất nhập cảnh hoặc cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài bổ sung thêm phần bị chú. Bộ Công an sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu các điều luật, quy định của pháp luật liên quan vấn đề hộ chiếu để có thể bổ sung thêm mục nơi sinh trong hộ chiếu mới.”

Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết thêm nhiều quốc gia trên thế giới cũng không ghi nơi sinh trên hộ chiếu, như Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Mông Cổ, Ả Rập Xê út, đây là điều bình thường. Hiện hầu hết các quốc gia vẫn công nhận hộ chiếu mới của Việt Nam, chỉ có Đức, Tây Ban Nha, Cộng hòa Czech tạm thời chưa công nhận hộ chiếu mới của Việt Nam do vướng một số yếu tố mang tính chất kỹ thuật.

 “Hộ chiếu mới của Việt Nam tuân thủ đúng các nội dung trong Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019. Hộ chiếu này thỏa mãn các điều kiện, tiêu chuẩn của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế,” ông Tô Ân Xô khẳng định.

Hy vọng sự vào cuộc của Bộ Công an và Bộ Ngoại giao để tìm "tiếng nói chung" giữa Việt Nam với các nước sẽ sớm có kết quả tốt đẹp, mở lại những “chặng đường vui” cho giới lữ hành và du khách Việt Nam.

Theo Vietnam+