Đại diện lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trao tặng giấy khen cho các điển hình

Thừa Thiên Huế, có hơn 17.700 người bị phơi nhiễm, trong đó có 2.021 nạn nhân chất độc da cam còn sống đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy, CĐDC/dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể con người, di truyền đến thế hệ thứ 2, thứ 3 và hiện nay đã xuất hiện trên thế hệ thứ 4.

Với ý chí không buông xuôi số phận, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin các cấp, các nhà hảo tâm, các gia đình nạn nhân CĐDC đã không ngừng vươn lên trong cuộc sống. Họ tự mình xoay xở với những sinh hoạt đời thường, cùng với người thân, làm nương, làm rẫy, tích lũy tiền kinh doanh nhỏ, vay vốn chăn nuôi gia cầm, gia súc, hay trồng cây gây dựng vườn nhà để ổn định thu nhập.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chụp hình lưu niệm cùng các đại biểu dự hội nghị

60 gương điển hình được Tỉnh Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin khen thưởng trong dịp này. Ông Nguyễn Ngọc Chung, Chủ tịch Hội nhấn mạnh: “Đây là những gương điển hình nhất trong những người điển hình. Không may rơi vào hoàn cảnh thiệt thòi nhưng họ luôn cố gắng vượt qua cả nỗi đau thể xác lẫn tinh thần, cố gắng hết sức để cuộc sống của mình và gia đình ngày càng được cải thiện ngoài phần trợ cấp hàng tháng của Nhà nước”.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực tỉnh uỷ Phan Ngọc Thọ đã thay mặt lãnh đạo tỉnh chia vui với 60 tấm gương điển hình vượt khó được khen thưởng dịp này. Theo ông Phan Ngọc Thọ, nỗi đau mà các nạn nhân CĐDC/dioxin phải trải qua là quá lớn, dù xã hội có hỗ trợ và bản thân mỗi nạn nhân có cố gắng như thế nào cũng không dễ vượt qua được. Do vậy, trách nhiệm bảo trợ, giúp các nạn nhân CĐDC/dioxin với bớt nỗi đau là trách nhiệm chung của toàn Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị phải thực hiện.

Với tinh thần đó, Phó Bí thư Thường trực tỉnh uỷ đề nghị các cấp Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin và Hội Chữ thập đỏ tiếp tục rà soát, bổ sung người là nạn nhân CĐDC/dioxin để quan tâm và hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, rà soát trong số các hộ nghèo, nếu có nạn nhân chất độc da cam/dioxin còn sống thì ưu tiên trong việc xóa nhà tạm và giải quyết các vấn đề an sinh khác. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Hội Chữ thập đỏ cần phối hợp rà soát những nạn nhân CĐDC/dioxin còn có khả năng lao động để có giải pháp hỗ trợ vị trí việc làm phù hợp. Tất cả đều hướng đến mục tiêu duy nhất là làm sao để giúp được các nạn nhân CĐDC vơi bớt nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống.

Tin, ảnh:  Đồng Văn