Những tuyến đường trung tâm thành phố, những địa chỉ du lịch khách đông “như nêm”. Chỉ tính riêng trong tháng 5/2022, lượng khách đến Huế tăng trưởng gần 159% so với cùng kỳ năm trước. Các hoạt động dịch vụ du lịch diễn ra hết sức nhộn nhịp. Không cần đến ngày lễ, thường cứ vào dịp 2 ngày cuối tuần là lượng khách đổ về hầu như kín phòng các cơ sở lưu trú.

Một Huế nhộn nhịp, đầy sức sống, đông người có lẽ ai cũng cảm nhận được.

Lẽ đương nhiên, không có bất kỳ nơi đâu, khó có bất kỳ một ai… có thể đáp ứng ngay cùng lúc một nhu cầu nào đó tăng cao. Lưu trú cháy phòng, dịch vụ vận chuyển cũng cháy, một số phương tiện cho thuê như xe máy cũng cháy. Muốn điều chỉnh giữa cung và cầu cần có thời gian. Cho nên, một số dịch vụ chưa đáp ứng được chất lượng tốt nhất cũng là điều chúng ta dễ nhận thấy.

Ví dụ, một số quán bán cơm niêu, cơm nấu theo lối Huế, các quán bánh Huế nổi tiếng… nếu không đặt trước thường diễn ra tình trạng phải chờ đợi rất lâu mới được phục vụ. Nhưng chuyện đặt trước các dịch vụ ăn uống này đối với khách lẻ đâu phải dễ. Thực ra, ăn để no thì không nói làm gì nhưng tâm lý của khách du lịch, đi đến một vùng đất nào đó, ngoài đi chơi, thăm thú thì thường là tìm đặc sản vùng miền để thưởng thức, mà địa chỉ du khách tìm đến thường là những tên tuổi nổi tiếng. Cho nên, chuyện “cháy dịch vụ” cục bộ cũng là điều dễ hiểu và chuyện này, có lẽ không phải khắc phục được trong ngày một ngày hai. Điều này cần sự chia sẻ của du khách, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để các cơ sở đánh giá lại thị trường, gia tăng dịch vụ.

 Một ví dụ khác là chuyện dịch vụ cho thuê xe máy. Tôi biết rất rõ một cơ sở kinh doanh lưu trú. Cơ sở này đã tạo ra được một “hệ sinh thái” phục vụ du lịch, trong đó có dịch vụ cho thuê xe máy. Tôi làm lưu trú còn anh hợp tác cung cấp dịch vụ cho thuê xe, người khác cung cấp các đặc sản bánh Huế phục vụ tận nơi khi khách có nhu cầu… Thế nhưng, một khi đã rơi vào tình cảnh cầu lớn hơn thì dịch vụ lại không đáp ứng tốt. Khách thuê xe máy 2 -3 ngày thì được ưu tiên, khách thuê chỉ một ngày thì tìm nhiều lý do để từ chối. Tế nhị thì chỗ em hết xe rồi; không tế nhị thì yêu cầu khách đến tận cơ sở để nhận xe. Thực ra, nếu xét ở góc độ - ai kinh doanh cũng muốn tối ưu hóa lợi nhuận, nhưng xét về khía cạnh phục vụ thì lại không tốt. Tại sao không nghĩ rằng, đã làm dịch vụ thì phải đề cao “triết lý” phục vụ tốt mọi lúc mọi nơi. Chúng ta phải nghĩ rằng, lấy lợi nhuận của thời điểm này thì đắp thời điểm kia; tạo ra niềm tin và uy tín, tạo ra sự thân thiện với khách hàng…

Nguồn nhân lực phục vụ trong ngành du lịch cũng thiếu hụt. Đã thiếu hụt thì không ít thì nhiều cũng ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Con số từ Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết, trước dịch toàn tỉnh có hơn 14.000 lao động trực tiếp và ước tính 30.000 lao động gián tiếp, nhưng hiện tại bị giảm mạnh. Chẳng hạn, dịp lễ 30/4 ngày 1/5 các cơ sở du lịch chỉ đáp ứng khoảng hơn 60% nguồn nhân lực. Sự “co kéo” của ngành du lịch trong điều kiện khách bùng nổ sau dịch và nguồn nhân lực chưa bù đắp ngay được là điều chúng ta có thể thấy rõ.

Một điểm nữa cũng cho thấy Huế chưa đáp ứng được nhu cầu khi Huế đông người, đó là hạ tầng. Chuyện ùn ứ trong những thời điểm cao điểm chúng ta có thể nhìn thấy ở nhiều tuyến đường ở TP. Huế. Xe ô tô, xe máy nhiều lúc xếp hàng “rồng rắn”. Hạ tầng thì cần thời gian và tiền bạc để cải thiện, nhưng việc có thể cải thiện ngay là cách ứng xử khi tham gia giao thông phải văn minh. Nhưng nhiều lúc, nhiều nơi chúng ta vẫn thấy cảnh “chen ngang” xô đẩy. Giao thông rơi vào cảnh chen lấn thì đường đã tắc lại càng tắc hơn. Điều này chúng ta cũng cần ngẫm nghĩ và ứng xử cho phù hợp.

Nhưng nói chung, du khách đánh giá rất cao phong cảnh Huế, con người Huế, ẩm thực Huế… Nhờ những đánh giá như thế nên Huế thu hút được khách du lịch.

NGUYÊN LÊ