Từ nay đến năm 2030 đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan tại hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp được tổ chức đầu tháng 8 vừa qua. Đây là tin vui, giúp hàng triệu công nhân, người thu nhập thấp chạm gần đến giấc mơ an cư.

Từ xa xưa cha ông ta đúc kết: Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà là 3 việc lớn của đời người và có an cư thì mới lạc nghiệp. Trong Hiến pháp năm 2013 của nước ta cũng quy định rõ, công dân có quyền có nơi ở hợp pháp (Điều 22) và Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở (Điều 59). Nhắc lại điều này để thấy, nhà ở là nhu cầu chính đáng của công dân và được Nhà nước công nhận, tạo điều kiện để tạo lập chỗ ở ổn định.

Trên thực tế, không phải ai cũng đủ điều kiện để có thể tự tạo lập cho mình chốn an cư, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong thời kỳ bao cấp, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương và từng đơn vị, doanh nghiệp, nông, lâm trường đều xây dựng các khu tập thể để bố trí chỗ ở cho cán bộ, công nhân. Ở Thừa Thiên Huế, khu tập thể Đống Đa được xây dựng từ thời bao cấp là một điển hình, đã giúp rất nhiều gia đình thực hiện giấc mơ an cư.

Từ khi chuyển sang cơ chế thị trường, bù giá vào lương, việc tạo lập chỗ ở chủ yếu là sự nỗ lực của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, với thực trạng về thu nhập hiện nay, người lao động rất khó để tạo lập chỗ ở.

Theo dữ liệu của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2021, GDP Việt Nam đạt khoảng 368 tỷ USD; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.743 USD (khoảng 87 triệu đồng), đứng thứ 6 trong khu vực và thứ 124 trên giới. Còn theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2021 do Tổng cục Thống kê công bố, thu nhập bình quân đầu người/tháng năm 2021 theo giá hiện hành đạt hơn 4,2 triệu đồng, khu vực thành thị cao gấp 1,5 lần so với khu vực nông thôn. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, thu nhập bình quân tháng của người lao động hưởng lương đạt 7,4 triệu đồng (theo NQ 85/NQ-CP của Chính phủ).

Tham chiếu các số liệu trên cho thấy, thu nhập bình quân đầu người nước ta còn thấp, ngay cả những người có việc làm ổn định, mức thu nhập mới chỉ đủ trang trải chi phí cuộc sống hàng ngày, rất khó tích lũy để tạo dựng cho mình chỗ ở phù hợp. Nhất là với những lao động trẻ ly nông và cả ly hương để đến với các khu công nghiệp, đô thị mưu sinh, việc tạo lập chỗ ở càng xa vời, tạo áp lực rất lớn đến hạ tầng xã hội ở các đô thị, khu công nghiệp.

Để tạo điều kiện cho người lao động thu nhập thấp, công nhân có điều kiện tạo lập chỗ ở ổn định, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp như chính sách đất đai, về thuế, hỗ trợ phát triển hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng tham gia phát triển nhà ở xã hội; cho vay xây dựng nhà, mua nhà ở xã hội lãi suất thấp…

Tuy nhiên, nhu cầu về nhà ở xã hội hiện nay quá lớn, trong khi khả năng đáp ứng quá hạn hẹp. Chẳng hạn, Thừa Thiên Huế đặt chỉ tiêu phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị năm 2020 là 332.633m2 sàn nhưng chỉ phát triển được 118.728m2, đạt 36%; chỉ tiêu phát triển nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp theo chương trình phát triển nhà ở tỉnh đến năm 2020 là 246.400 nhưng chỉ phát triển 764m2 sàn đạt tỷ lệ 0,31%.

Để giải bài toán này, rõ ràng không chỉ trông vào doanh nghiệp và càng không thể phó mặc cho người lao động mà cần huy động rất nhiều nguồn lực để cùng Nhà nước phát triển nhà ở xã hội thực chất, lành mạnh, bền vững, công bằng. Trong đó, cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp phải thực sự vào cuộc, xem đó là trách nhiệm, nghĩa vụ và đạo đức đối với Nhân dân. Tạo dựng chỗ ở cho người thu nhập thấp, công nhân là góp phần vào ổn định xã hội, xây dựng xã hội công bằng. Dân giàu nước mới mạnh.

Hoàng Minh