Một số tác phẩm Trúc Chỉ được triễn lãm tại Festival Nghề truyền thống Huế

Trách nhiệm hơn

Sau nhiều năm thành lập và trao giải cho sinh viên các trường mỹ thuật trên cả nước, các đề cử của giải thưởng năm nay đã hướng tới nghệ sĩ trẻ, nghệ nhân, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ truyền thống… tạo nên sự lan tỏa trong cộng đồng trong nước và quốc tế.

Trong không gian thơ mộng của Lebadang Memory Space ở đồi Kim Sơn (xã Thủy Bằng, TP. Huế) giải thưởng đã được hội đồng tuyển chọn, xét giải trao một cách trân trọng, đầy cảm xúc. Cảm xúc bởi nó diễn ra trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Lê Bá Đảng, cảm xúc bởi sự có mặt của rất nhiều người yêu quý vị họa sĩ tài danh.

Trúc Chỉ đã quá quen thuộc với nhiều người yêu nghệ thuật. Nhưng một lần nữa Trúc Chỉ mà người có công sáng lập Phan Hải Bằng được xướng tên trong sự tràn ngập của vinh dự, tin yêu. “Chúng tôi xin dành giải thưởng này cho mảnh đất mà chúng ta đang sống, nuôi dưỡng chúng tôi. Chúng tôi tin mình sẽ lớn mạnh hơn, xứng đáng với sự tin yêu của hội đồng giải thưởng, quý mọi người”, họa sĩ Phan Hải Bằng xúc động sau khi nhận giải từ NSND - đạo diễn Đặng Nhật Minh, Chủ tịch Quỹ sáng tạo Lê Bá Đảng.

Họa sĩ Phan Hải Bằng (trái) nhận Giải thưởng sáng tạo Lê Bá Đảng

Chính thức ra đời từ năm 2012, Trúc Chỉ là loại hình nghệ thuật - giấy, giấy - nghệ thuật. Đó là kết quả của dự án nghiên cứu chế tác nghệ thuật giấy thủ công khởi đi từ ý niệm “làm cho giấy có thêm khả năng thoát khỏi thân phận làm “nền” để trở thành một tác phẩm độc lập, tự thân”. Ngay từ khi ra đời loại hình này được đánh giá rất cao bởi giá trị “tiếp biến truyền thống”, vận dụng nghề thủ công truyền thống một cách linh hoạt. Nhờ thế mà Trúc Chỉ đã có mặt nhiều nơi, được đón nhận một cách nồng nhiệt, thoát ra khỏi loại hình nghệ thuật. Đó còn là món quà từ quốc khách cho đến du khách rất yêu thích.

Sự sáng tạo về chất liệu, ứng dụng

Nhớ về vị họa sĩ tài danh, người được đặt tên cho giải thưởng, họa sĩ Bằng nhớ về rất nhiều kỷ niệm, như là cơ duyên nối dài để anh được nhận giải thưởng ngày hôm nay. Anh kể từng nhiều lần tiếp xúc với họa sĩ Lê Bá Đảng, nhưng ngày đó khi còn là chàng trai trẻ vừa đặt chân vào địa hạt nghệ thuật nên chưa thẩm thấu hết các tác phẩm nghệ thuật của ông. Mãi sau này, vào năm 2004 trong một lần qua Pháp và gặp họa sĩ Lê Bá Đảng ở Paris, họa sĩ Phan Hải Bằng đã góp nhặt, hiểu hơn nghệ thuật và hành trình sáng tạo của tiền bối.

“Khi đó, tôi có rất ít thời gian để tiếp xúc nhưng đọng lại trong tôi rất nhiều. Cái lĩnh hội được đó là “biên giới” - khái niệm có tính chất minh định về địa lý nhưng không tồn tại trong sáng tạo nghệ thuật. Tôi thấy ở trong đó cái gọi là bản sắc, dấu ấn của cá nhân, vùng miền, dân tộc đã hòa chung, hội nhập dòng chảy nghệ thuật của thế giới”, người nhận giải thưởng Lê Bá Đảng 2022 hồi nhớ.

Nhờ thế, khi thể hiện tác phẩm bằng nghệ thuật Trúc Chỉ, họa sĩ Phan Hải Bằng đã “bắt nhịp” được từ họa sĩ Lê Bá Đảng với những câu chuyện rất nhỏ, rất làng quê bằng câu chuyện giấy – nghệ thuật. Để từ đó tấm giấy có khả năng trở thành tác phẩm độc lập, tự thân cũng đã là tác phẩm nghệ thuật có giá trị. “Việc được nhận giải thưởng lần này ý nghĩa lớn nhất thật sự chấp nhận, thừa nhận, thành công bước đầu trong việc tạo dựng giá trị mới chứ không chỉ là một vật liệu”, họa sĩ Phan Hải Bằng nhấn mạnh.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch Quỹ sáng tạo Lê Bá Đảng nói rằng, có rất nhiều đề cử cho Giải thưởng sáng tạo Lê Bá Đảng. Và với sự cân nhắc cẩn trọng, khách quan các thành viên của hội đồng quản lý giải thưởng đã đi đến quyết định trao giải cho họa sĩ Phan Hải Bằng với nghệ thuật Trúc Chỉ.

“Nghệ thuật Trúc Chỉ với sự sáng tạo về chất liệu, ứng dụng vào nghệ thuật tạo hình, tạo ra các thành quả đáng ghi nhận như một phát minh về chất liệu… mở ra nhiều khả năng sáng tạo nghệ thuật và độc đáo, được cộng đồng chấp nhập với những thành phẩm chất lượng, phù hợp với tiêu chí của giải mang tên Lê Bá Đảng”, nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá.

Tiếp nối tinh thần sáng tạo và tình yêu quê hương

Họa sĩ Lê Bá Đảng sinh tại Quảng Trị, sang Pháp năm 1939 theo đoàn “lính thợ”, học tại Học viện Nghệ thuật Toulouse và trở thành họa sĩ nổi tiếng ở châu Âu.

Trung tâm Tiểu sử Quốc tế của Đại học Cambridge (Anh) đưa vào danh mục những người có tên tuổi của thế giới, nhà nước Pháp tặng huân chương Văn hóa nghệ thuật Pháp. Được giới nghệ thuật đánh giá là bậc thầy của hai thế giới Đông - Tây. Ông qua đời năm 2015 tại Paris, thọ 94 tuổi.

Năm 2016, Quỹ sáng tạo Lê Bá Đảng ra mắt tại Huế theo di nguyện của ông. Chủ tịch quỹ, NSND Đặng Nhật Minh nói rằng, sự ra đời của quỹ tiếp nối tinh thần sáng tạo và tình yêu quê hương đất nước của danh họa Lê Bá Đảng.

Bài: NHẬT MINH

Ảnh: N.M - H.T - LEBADANG MEMORY SPACE