Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nâng dự báo tăng trưởng GDP cho khu vực Đông Nam Á từ 4,9% lên 5% trong năm 2022. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN/Vietnam+

Với dự báo tăng trưởng của khu vực trong năm 2023 đạt 5,2%, ngân hàng đã đưa ra các quan sát về tình hình hoạt động kinh tế của các nước ASEAN trong bản Bổ sung về Triển vọng Phát triển châu Á trong tháng 7.

Bên cạnh đó, ngân hàng ADB cũng nâng đáng kể dự báo lạm phát của Đông Nam Á cho năm 2022 từ 3,7% lên 4,7%. Mức lạm phát trong năm tới được điều chỉnh tăng, từ 3,1% lên 3,4%.

Trên đây là kết quả đạt được khi tăng trưởng tiêu dùng ở tất cả các nền kinh tế trong tiểu vùng đã phục hồi mạnh mẽ trong 5 tháng đầu năm, nhờ dỡ bỏ dần các hạn chế đi lại để chống dịch COVID-19, cũng như việc mở cửa lại thị trường và biên giới.

Ngân hàng ADB quan sát thấy rằng, sản lượng sản xuất và dịch vụ đang tăng ở hầu hết các nền kinh tế, giúp tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình.

Tuy nhiên, ngân hàng vẫn cảnh báo rằng các quốc gia trong khu vực phải đối mặt với một số thách thức đáng kể, bao gồm giá dầu cao hơn, sự kết thúc của lãi suất toàn cầu thấp, cũng như gián đoạn trong thương mại và chuỗi cung ứng.

Những yếu tố như vậy đã làm mờ đi triển vọng của một số nền kinh tế trong năm 2022 và 2023.

“Các nền kinh tế nhỏ hơn nói riêng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự gián đoạn trong nguồn cung và lạm phát từ giá dầu cao hơn. Du khách đang quay trở lại, mặc dù rất chậm”, bản báo cáo cho biết.

Thêm vào đó, các nền kinh tế trong tiểu vùng có tỷ lệ tiêm chủng cao vẫn chưa chứng kiến sự hồi sinh có ý nghĩa trong du lịch.

Trong đó, Ngân hàng ADB đã nâng dự báo tăng trưởng của Indonesia từ 5% lên 5,2% nhờ nhu cầu trong nước tăng và xuất khẩu mạnh mẽ.

Tuy nhiên, sự bất ổn gia tăng và tăng trưởng toàn cầu yếu đi đã làm giảm triển vọng tăng trưởng của Malaysia.

“Tăng trưởng chạm mốc 5% trong quý I/2022 được củng cố bởi tiêu dùng tư nhân mạnh mẽ và hỗ trợ của chính phủ gia tăng thông qua chương trình hỗ trợ gia đình Bantuan Keluarga. Song niềm tin kinh doanh và chỉ số quản lý thu mua (PMI) tiếp tục suy yếu, cùng với triển vọng toàn cầu yếu hơn và gián đoạn nguồn cung do các thành phố ở Trung Quốc phải chịu nhiều lệnh hạn chế nghiêm ngặt để chống dịch COVID-19”, bản báo cáo cho biết.

Đối với Philippines, Ngân hàng ADB cũng nâng dự báo tăng trưởng từ 6% lên 6,5% cho năm 2022, nhờ kết quả kinh doanh trong quý đầu tiên tốt hơn dự kiến, được củng cố bởi sự phục hồi trong đầu tư và tiêu dùng gia đình. Quy mô tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 rộng hơn và các tác động của sức khỏe tương đối nhẹ từ biến thể Omicron đã cho phép nền kinh tế mở cửa trở lại lần nữa.

Theo báo cáo, tăng trưởng của Singapore vẫn sẽ vững chắc vào năm 2022, được hỗ trợ bởi công nghệ thông tin và dịch vụ tài chính mạnh mẽ, tăng trưởng sản xuất bền vững và sự phục hồi dần dần của ngành du lịch và dịch vụ trong nước.

Ngân hàng cũng sẽ duy trì dự báo rằng Việt Nam sẽ chứng kiến mức tăng trưởng đạt 6,5% trong năm nay, sau đó tăng lên đến 6,7% cho năm 2023.

Bên cạnh đó, triển vọng kinh tế của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vào năm 2022 có vẻ mờ nhạt hơn. Tuy nhiên, triển vọng dự kiến sẽ được cải thiện vào năm 2023.

Trong khi đó, tuy tăng trưởng trong công nghiệp và dịch vụ đã và đang chứng kiến mức cải thiện nhẹ ở Myanmar, căng thẳng chính trị và tình hình an ninh biến động vẫn là những rủi ro lớn đối với tiến trình phục hồi kinh tế của đất nước.

Đan Lê (Lược dịch từ Khmer Times)