Các nước tham gia ký kết sẽ được hưởng lợi rất lớn từ hiệp định RCEP. Ảnh minh họa: Người Lao động
Cụ thể, trong thông cáo chung được đưa ra sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) được tổ chức tại Phnom Penh (Campuchia), bộ trưởng các nước ASEAN hoan nghênh việc hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2022.
Thông cáo cho biết: “RCEP sẽ đóng góp đáng kể vào chiến lược phục hồi của khu vực chúng ta và tiếp tục hỗ trợ cho một cấu trúc thương mại và đầu tư toàn diện, cởi mở trong khu vực”.
Thêm vào đó, các vị bộ trưởng cũng hoan nghênh kết quả của cuộc họp đầu tiên của Ủy ban hỗn hợp RCEP (RJC) diễn ra vào tháng 4, trong đó thảo luận về việc chuẩn bị thực hiện RCEP, bao gồm việc thành lập Ủy ban giám sát thực hiện hiệp định RCEP và xác nhận các yếu tố chính trong việc thành lập ban thư ký RCEP.
Trước đó, phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55), Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã đề xuất thành lập một Ban thư ký RCEP độc lập ở nước này để tối đa hóa tiềm năng của hiệp định RCEP.
Tuyên bố được đưa ra khi hiệp định RCEP có khả năng loại bỏ đến 90% thuế quan đối với hàng hóa trao đổi giữa các bên ký kết trong vòng 20 năm tới.
Là khối thương mại lớn nhất thế giới, hiệp định RCEP đã tạo ra một thị trường bao phủ 2,2 tỷ dân, chiếm 30% dân số thế giới, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tổng hợp là 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và 28% thương mại của toàn thế giới.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đến năm 2030, RCEP sẽ hỗ trợ tăng thu nhập của các nền kinh tế thành viên thêm 0,6%, tăng thêm 245 tỷ USD hằng năm vào thu nhập khu vực và tạo thêm 2,8 triệu việc làm cho người dân tại đây.
Thứ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Penn Sovicheat nhận định rằng, hiệp định RCEP sẽ tạo nên động lực mới cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung và tăng trưởng của khu vực nói riêng trong tương lai dài hạn.
Cụ thể, trả lời với phóng viên báo Tân Hoa Xã, ông cho hay: “RCEP sẽ tạo một động lực lớn cho nền kinh tế của chúng ta trong thời kỳ hậu đại dịch. Đây cũng là một sự can thiệp đúng lúc trong nhiệm vụ của Campuchia để thoát khỏi danh xưng quốc gia kém phát triển (LDC) và nỗ lực theo kế hoạch của đất nước để đạt được mức thu nhập trên trung bình và thu nhập cao lần lượt từ 2 năm 2030 và 2050”.
Trong một ý kiến khác có liên quan, Kin Phea, Tổng Giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia cho rằng, hiệp định RCEP là công cụ để lật đổ chủ nghĩa đơn phương đang gia tăng bởi nó liên kết tất cả các hiệp định thương mại tự do song phương vào một lĩnh vực kinh tế, dưới một phán quyết chung. Đây là hiệp định thương mại tự do khu vực tham vọng nhất ở châu Á, trong đó Trung Quốc đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi nền kinh tế châu Á thành một cực kinh tế cốt lõi nhằm ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ và những tác động tiêu cực lan rộng của căng thẳng thương mại.
Đan Lê (Lược dịch từ Khmer Times)