Đê Tây Ô Lâu xuống cấp nhiều điểm
Đê Tây Ô Lâu có tổng chiều dài 11,59km, xuất phát từ cầu Vân Trình đến đập Cửa Lác được đầu tư nhiều tỷ đồng. Nhiệm vụ chính của tuyến đê là chống lũ tiểu mãn, lũ sớm, bảo vệ cho hoạt động phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản kết hợp giao thông liên xã ven sông Ô Lâu - phá Tam Giang thuộc địa bàn các huyện Phong Điền và Quảng Điền.
Công trình do Ban QLDA Đầu tư và Xây dựng khu vực huyện Phong Điền làm chủ đầu tư, xây dựng hoàn thành và bàn giao cho các địa phương liên quan đưa vào sử dụng đến nay vẫn đảm bảo hoạt động ổn định, hiệu quả.
Đê Tây Ô Lâu được Bộ NN&PTNT phân loại đê cấp IV và đã được UBND tỉnh quy định hành lang bảo vệ đối với các tuyến đê cấp IV, cấp V trên địa bàn tỉnh. Ghi nhận của PV, cho thấy, mặt đê nhiều đoạn xuất hiện sụt lún, vỡ vụn khối bê tông. Một số đoạn đê bị nứt in hằn dấu vết bánh xe.
Qua phản ánh của người dân và UBND xã Phong Chương, hiện trên địa bàn đang thi công công trình nâng cấp, sửa chữa thủy lợi tuyến hói Hà, hói Nậy xã Phong Bình và Phong Chương (Phong Điền) nên có nhiều xe cơ giới có tải trọng lớn sử dụng tuyến đê Tây Ô Lâu để vận chuyển vật liệu phục vụ thi công, mặc dù tuyến đê này đã được cắm biển hạn chế tải trọng dưới 8 tấn.
Trước tình trạng đó, Chi cục Thủy lợi tỉnh đã tổ chức kiểm tra và phát hiện nhiều đoạn đê bị hỏng nặng, làm ảnh hưởng đến an toàn công trình đê điều, vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 7, Luật Đê điều số 79/2006/QH11 ngày 29/11/2006.
Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh thông tin, để đảm bảo sử dụng hiệu quả công trình đê Tây Ô Lâu, Chi cục Thủy lợi đề nghị UBND huyện Phong Điền chỉ đạo Ban QLDA Đầu tư và Xây dựng khu vực huyện Phong Điền - chủ đầu tư công trình nâng cấp, sửa chữa tuyến hói Hà, hói Nậy xã Phong Bình và Phong Chương khẩn trương làm việc với nhà thầu thi công về phương án vận chuyển vật liệu thi công đã được phê duyệt. Đồng thời, có biện pháp khắc phục tình trạng hư hỏng do xe quá tải trọng gây ra nhằm đảm bảo an toàn công trình đê điều trước mùa mưa lũ năm 2022, báo cáo kết quả khắc phục cho các cơ quan chức năng theo quy định.
Huyện Phong Điền chỉ đạo UBND các xã liên quan tăng cường tuần tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý các vi phạm phạm vi hành lang bảo vệ đê điều và các công trình thủy lợi trên địa bàn quản lý. Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều, thủy lợi, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả công trình đã được đầu tư xây dựng.
Được biết, mới đây Ban QLDA Đầu tư và Xây dựng khu vực huyện Phong Điền đã có buổi làm việc với đơn vị thi công công trình nâng cấp, sửa chữa tuyến hói Hà, hói Nậy và chính quyền, người dân xã Phong Chương.
Theo biên bản tại buổi làm việc, ông Nguyễn Minh Cần, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Chương cho biết, địa phương đã kiểm tra hiện trường tuyến đê, hạ tầng giao thông hư hỏng và đã ghi hình phương tiện vi phạm. Đề nghị phía chủ đầu tư, đơn vị thi công nêu rõ thời gian cụ thể và giải pháp khắc phục, sửa chữa công trình nhằm đảm bảo an toàn.
Ông Trần Văn Luật, Giám đốc Công ty TNHH MTV Duy Thái (đơn vị thi công) cho rằng, một số đoạn giao thông qua địa bàn xã Phong Chương sẽ được đơn vị thi công khắc phục tạm thời bằng cấp phối đá dăm những điểm hư hỏng cục bộ. Riêng đối với tuyến đê Tây Ô Lâu hiện nay có nhiều phương tiện của nhiều đơn vị chạy trên tuyến, trong đó có cả xe chở cát từ Quảng Trị vào. Đơn vị này đưa ra phương án dùng đá hộc để khắc phục sửa chữa đê.
Ban QLDA Đầu tư và Xây dựng khu vực huyện Phong Điền yêu cầu đơn vị thi công không được lưu thông trên tuyến đê Tây Ô Lâu, nếu cho phương tiện vận chuyển trên tuyến đê này thì phải đảm bảo tải trọng. Yêu cầu đơn vị thi công khắc phục những vị trí hư hỏng nặng kết hợp sửa chữa mặt đê bị vỡ nhằm đảm bảo an toàn trên tuyến đê Tây Ô Lâu, công tác khắc phục phải hoàn thiện trước 15/8/2022.
Bài, ảnh: Hà Nguyên - Võ Cầm