Đài Loan (Trung Quốc) đang chuẩn bị đối phó với một đợt bùng phát dịch henipavirus tiềm tàng có khả năng gây chết người. Ảnh: Springer

Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Đài Loan Chuang Jen-hsiang nói rằng các phòng thí nghiệm của Đài Loan cần thiết lập các quy trình xét nghiệm tiêu chuẩn để xác định virus Langya henipavirus (LayV). Ông Chuang cho biết việc giải trình tự bộ gien của virus này sẽ hoàn tất trong vòng 1 tuần.

Cách đó 3 ngày, Tạp chí Y học New England đăng một nghiên cứu về loại virus mới được phát hiện ở các tỉnh Sơn Đông và Hà Nam của Trung Quốc. Tất cả bệnh nhân đều bị sốt cao và khoảng một nửa số bệnh nhân gặp tình trạng mệt mỏi, ho, mất cảm giác thèm ăn và giảm các tế bào bạch cầu. Hơn 1/3 số bệnh nhân bị suy gan và 8% bị suy thận.

Nghiên cứu của Tạp chí Y học New England cho thấy LayV thuộc họ Paramyxoviridae của virus RNA sợi âm, có khả năng gây chết người. Các nhà nghiên cứu chưa rõ liệu mầm bệnh có thể lây lan từ người sang người hay không. Thử nghiệm trên động vật ở các khu vực bị ảnh hưởng cho thấy 5% chó và 2% dê bị nhiễm virus. Chuột có thể là vật chủ mang virus LayV vì 27% số chuột thí nghiệm có xét nghiệm dương tính. 

Theo ông Chuang, không có người nào trong số 35 bệnh nhân kể trên tiếp xúc gần với nhau hoặc có tiền sử phơi nhiễm chung và cũng chưa có ai tử vong. CDC Đài Loan sẽ làm việc với các nhà quản lý nông nghiệp để tìm hiểu xem các mầm bệnh tương tự có tồn tại ở các loài có nguồn gốc từ hòn đảo này hay không.

Năm 2013, các nhà nghiên cứu Trung Quốc phát hiện một loại virus henipavirus gọi là Mojiang paramyxovirus (MojV). Virus được tìm thấy trên những con chuột sống trong một mỏ đồng bị bỏ hoang ở tỉnh Vân Nam. Ba người đàn ông làm việc trong mỏ bị bệnh viêm phổi nặng. Tuy nhiên, họ đã chết rất lâu trước khi các nhà khoa học tới hiện trường nên không thể xác định họ có nhiễm MojV hay không.

Theo Người Lao động