Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2023, Anh bắt đầu áp dụng bắt buộc nhãn hiệu UKCA cho hầu hết các sản phẩm công nghiệp nhập khẩu vào Anh.

May xuất khẩu tại Công ty TNHH Jasan Việt Nam tại khu công nghiệp VISIP Hải Phòng. Ảnh minh họa: An Đăng/TTXVN

Theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), nhãn UKCA có quy định riêng về mẫu mã, hình thức và có thể do doanh nghiệp tự đánh giá hoặc bên thứ 3 đánh giá tuỳ theo yêu cầu của mặt hàng cụ thể. Vì vậy, việc hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam về UKCA với các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu sang Anh là thiết thực và cần triển khai ngay.

Ngoài ra, để biết thêm thông tin về UKCA doanh nghiệp liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Anh hoặc đơn vị liên quan của Bộ Công Thương để được cung cấp thông tin chính xác, kịp thời

Ông Tạ Hoàng Linh cho biết, thời gian qua thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh luôn tăng trưởng mạnh. Nửa đầu năm 2022, mặc dù gặp phải những biến động chính trị toàn cầu nhưng kim ngạch xuất khẩu hai chiều Việt Nam - Anh vẫn đạt gần 3,3 tỷ USD, chỉ giảm nhẹ 0,2% so với cùng kỳ.

Trong số đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,9 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu từ Anh đạt 372,5 triệu USD, giảm 9,9%. Đây cũng là nơi có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa công nghiệp chiếm tỷ trọng cao và thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Thống kê cho thấy, Việt Nam đứng thứ 23 trong số các nước xuất khẩu nhiều nhất đến Anh trong 2 năm vừa qua. Theo đó, tỷ trọng kim ngạch mặt hàng xuất khẩu công nghiệp (không kể sắt thép, kim loại) của Việt Nam sang Anh trong năm 2021 đạt 2,54 tỷ USD, chiếm 44,2% tổng giá trị xuất khẩu.

Đặc biệt, các mặt hàng chiếm tỷ trọng kim ngạch cao gồm điện thoại các loại và linh kiện đạt 24%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng 10,8%; sắt thép 8,7%, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 5,6%.

Điều này khẳng định việc xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam đóng vai trò to lớn, quan trọng trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Anh.

Ông Tạ Hoàng Linh nhấn mạnh, hiện nay đã có doanh nghiệp Việt Nam sản xuất găng tay, khẩu trang, áo bảo hộ và thép, nhôm, kính xây dựng, ván gỗ lót sàn đã thành công trong việc áp dụng UKCA vào sản phẩm.

Bởi vậy, doanh nghiệp có thể chủ động liên hệ một số tổ chức tư vấn, cấp phép UKCA tại Việt Nam như Viện Tiêu chuẩn Anh Quốc để được hỗ trợ áp dụng quy định mới về UKCA vào sản phẩm.

Đại diện Tham tán thương mại Việt Nam tại Anh cũng cho rằng, việc kịp thời chuyển sang đáp ứng tiêu chuẩn theo nhãn hiệu UKCA là rất cần thiết đối với doanh nghiệp Việt Nam để không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh tại một trong những thị trường nhập khẩu rất lớn các sản phẩm công nghiệp.

Đáng lưu ý, UKCA rất quan trọng với doanh nghiệp đang xuất khẩu sản phẩm chế tạo sang Anh. Hơn nữa, phải có nhãn hiệu CE trên các sản phẩm mới có thể xuất khẩu sản phẩm sang thị trường của các quốc gia thành viên EU.

Không những thế, nhãn CE đó vẫn được chấp nhận ở Anh nhưng không lâu bởi Chính phủ Anh đã ban hành quy định riêng về chứng nhận hợp chuẩn đối với sản phẩm công nghiệp và bắt buộc doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này phải tuân thủ, bao gồm cả doanh nghiệp Việt Nam.

Đơn cử, năm 2019, giá trị nhập khẩu hàng sản xuất từ Việt Nam vào Anh là 1,2 tỷ bảng Anh. Con số này vào năm 2021 có thể lớn hơn nhờ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA).

Do đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể hưởng lợi nhiều hơn trên thị trường Anh nhờ hiệp định và từ sự thay đổi nhanh chóng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong những năm tới, khu vực châu Âu, trong đó có Anh tiếp tục được xác định là thị trường quan trọng, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển xuất khẩu. Năm 2022, trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã phê duyệt 10 đề án xúc tiến thương mại với tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ là 15,93 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động tại thị trường châu Âu.

Theo TTXVN