Khoảng 0,28 đến 0,73 triệu tấn nhựa được thải ra trên đất liền mỗi năm, Việt Nam được xem là 1 trong 5 nước (cùng với Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Thái Lan) gây ô nhiễm hàng đầu cho các đại dương trên thế giới. Điều này được đưa ra trong một báo cáo mà tổ chức Ngân hàng Thế giới (WB) vừa gửi đến các phóng viên báo chí, dựa trên sự thực hiện của các chuyên gia WB và chuyên gia tư vấn thực hiện... Báo cáo này cũng đã dẫn ra những con số tham chiếu trước đó, được thực hiện bởi Law và các cộng sự. Cụ thể là năm 2016, có 0,57 triệu tấn chất thải nhựa đã rò rỉ ra vùng biển do chất thải nhựa chưa được quản lý tốt. Năm 2010, Law và các cộng sự ước tính có 41 triệu mảnh nhựa bị mắc trong các rạn san hô của Việt Nam và dự kiến đến 2025, con số này sẽ là 177 triệu mảnh.

Tôi dừng lại ở những điều này, và nói thật là đã cảm thấy khá sốc trước những con số. Ai cũng hiểu tác hại của loại chất thải khó/không thế tiêu hủy này sẽ tác động đến môi trường, thiên nhiên và đời sống của con người. Vấn đề là ở chỗ, điều ấy có vẻ như được nhận thức chưa thật đầy đủ. Ai cũng nghĩ nó chưa thật sự ảnh hưởng đến mình. Điều này dẫn đến chưa thay đổi được thói quen và hành vi. Tôi tin cộng đồng sẽ nghĩ lại khi mối đe dọa đến sức khỏe đã hiện hữu khi người ta đã tìm thấy các sợi vi nhựa nằm ở 12/24 loài cá thương mại ở vịnh Bắc Bộ (nghiên cứu của Koongolia và cộng sự vào năm 2020). Ô nhiễm nhựa cũng đã trở nên nghiêm trọng ở các rạn san hô và rừng ngập mặn ven biển. Chúng ta có thể xác tín điều này khi các rạn san hô ở vịnh Nha Trang đã bị chết hàng loạt trong khoảng thời gian từ tháng 5/2022 trở lại đây. Tỉnh Khánh Hòa hiện cũng đang tổ chức nhiều giải pháp để cứu các rạn san hô này.

Tác hại của việc tồn dư chất thải nhựa còn được chỉ ra ở việc giảm độ che phủ của rừng ngập mặn, dẫn đến việc gây ra lũ lụt lớn ở các cộng đồng ven biển, đồng thời gây ra các bệnh lây truyền qua đường nước. Dài hơn, sâu hơn là tác động của nó đến đời sống của các vùng cư dân làm nghề cá. Đương nhiên là cả với du lịch cộng đồng ở các vùng ven biển. Tôi vẫn nhớ cảm giác ngại ngùng của mình khi dẫn các đồng nghiệp ghé thăm biển Thuận An. Đó là một ngày hơi mưa cách đây khá lâu. Vùng biển hôm ấy khá thưa vắng. Nhưng rất, rất nhiều mảnh bao bì nhựa nổi lên trên mặt cỏ… Chắc chắn đây là điều cần phải được cải thiện. Nhất là khi báo cáo khảo sát 14 địa điểm của WB (được thực hiện vào tháng 4/2022) đã xếp Thuận An là 1 trong 10 địa điểm (bao gồm thêm Đồ Sơn, bến phà Gót (Hải Phòng); Dong và Nam Ô (Đà Nẵng), bãi Rạng (Quảng Nam), Vĩnh Nguyên, Bình Lập, Mỹ Ca (Khánh Hòa), TP. Hồ Chí Minh, hồ Bể, Lai Hòa (Sóc Trăng), bãi Trường, bãi Sao-Phú Quốc) được đánh giá ở mức cực kỳ bẩn.

Khuyến khích, hạn chế, đánh thuế cao đối với cơ sở sản xuất các loại sản phẩm nhựa dùng 1 lần; có biện pháp chế tài, xử phạt ở các cấp mức độ để hạn chế tác động và tác hại của chúng đối với thiên nhiên, môi trường và con người là điều cần thiết. Đây là điều cần được thực hiện mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, với lộ trình và giới hạn cụ thể. Báo cáo mà WB cung cấp, có thể chỉ là một góc nhìn. Nhưng chắc chắn đó là một cảnh báo cần thiết để chúng ta cần phải thay đổi hành vi và biện pháp để chống lại rác thải nhựa từ chính mỗi người và cộng đồng.

Nguyễn An Bình