Nông dân Nguyễn Tư ở xã Phú Lương (Phú Vang) lo lắng trước nạn sâu bệnh đang hoành hành trên nhiều diện tích lúa của gia đình cũng như bà con địa phương. Bảy sào ruộng của ông Tư hầu hết bị nhiễm bệnh sâu cuốn lá với mật độ 10-20 con/m2. Gia đình ông tuân thủ sự hướng dẫn của cán bộ bảo vệ thực vật, cán bộ địa phương kết hợp kinh nghiệm truyền thống để phòng trừ, nhưng sâu bệnh vẫn chưa giảm. Nếu sâu bệnh tiếp tục gây hại đến cuối vụ sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng sản phẩm.

Vụ hè thu này, xã Phú Lương tiếp tục triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn, gieo cấy các giống lúa chất lượng cao, như RVT, DT39, Bắc Thơm 7, Thiên Ưu 8... Các giống lúa này không chỉ tạo ra sản phẩm chất lượng, thơm ngon mà còn chống chịu khá tốt với nhiều loại sâu bệnh. Tuy nhiên, một số diện tích lúa cánh đồng mẫu lớn cũng đang nhiễm sâu bệnh với mức độ nhẹ. Dự báo thời tiết vẫn còn phức tạp, tạo thuận lợi cho sâu bệnh có thể tiếp tục lây lan trên diện rộng, kể cả cánh đồng mẫu lúa chất lượng cao.

Ông Phan Thành Nhân, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Vang khẳng định, sâu cuốn lá, khô vằn, nhện gié… đang gây hại lúa tại nhiều địa phương, như Phú Đa, Phú Gia, Phú Hồ, Phú Lương, Vinh Hà, Phú Xuân, Phú An… với diện tích hơn 1.000ha. Cán bộ nông nghiệp phối hợp với các địa phương tiếp tục theo dõi, thống kê diện tích bị sâu bệnh, kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chủ động triển khai các biện pháp phòng trừ một cách hiệu quả, theo quy định “bốn đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách).

Các loại sâu bệnh cuốn lá, khô vằn… cũng đang gây hại nặng tại nhiều địa phương của huyện Quảng Điền với diện tích hàng ngàn ha. Mật độ nhiễm bệnh từ 10-20 con/m2 đối với sâu cuốn lá và 10-40% đối với bệnh khô vằn.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh, ông Lê Văn Anh thông tin, đến thời điểm này, toàn tỉnh có khoảng 5.000ha lúa bị sâu cuốn lá và bệnh khô vằn. Diện tích bị bệnh lem lép hạt cũng khá lớn trên 1.200ha, tỷ lệ bệnh 5-10%, chủ yếu tập trung tại nhiều địa phương thuộc hai huyện Phú Vang và Quảng Điền. Nhện gié gây hại trên diện tích hơn 700ha, tỷ lệ 5-10%, nơi cao 20%, phần lớn tập trung tại huyện Phú Vang, một số ít tại Hương Toàn, Hương Văn (TX. Hương Trà). Bên cạnh đó, chuột đang gây hại trên diện tích gần 400ha với tỷ lệ 3-5%, nơi cao 5-10%, tập trung rải rác trên địa bàn TX. Hương Thủy, TX. Hương Trà, huyện Quảng Điền, huyện Phú Lộc.

Chi cục TT&BVTV tỉnh khuyến cáo, do điều kiện thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao nên cần duy trì mực nước trong ruộng lúa từ giai đoạn trổ đến khi chín (chỉ rút cạn nước trước khi thu hoạch 7-10 ngày). Đồng thời, kết hợp phun thuốc phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại vào buổi chiều mát, phun đảm bảo lượng thuốc trên đơn vị diện tích và đảm bảo theo nguyên tắc “bốn đúng”. Sau khi phun phòng trừ, cần tăng cường kiểm tra, giám sát kết quả phòng trừ để có biện pháp chống tái nhiễm.

Chi cục TT&BVTV tỉnh yêu cầu, nông dân cần tiếp tục phun thuốc phòng bệnh lem lép hạt trên diện tích lúa trà muộn khi lúa trổ vè thưa (3-5%) và sau khi lúa trổ xong (sau phun lần 1: 5-7 ngày). Các loại thuốc có tác dụng phòng bệnh lem lép hạt và trừ bệnh khô vằn, vàng lá, thối bẹ lá đòng... như Amistar Top 325SC, Nevo 330EC... Phun trừ rầy nâu nơi mật độ cao trên 1.500 con/m2 bằng các loại thuốc Acnipyram 50WP, Nitensuper 500WP, Chess 50WG, Cheestar 500WG, Starcheck 755WG... Sau phun 2-3 ngày cần kiểm tra đồng ruộng, thấy rầy có xu hướng phát triển, gia tăng cần phun lần 2 để chống tái nhiễm.

Hoàng Thế